Nghiên cứu mới nhất: Nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc

Ngoài phương pháp chẩn đoán dựa trên các dấu hiệu tiêu biểu thì nhận biết trẻ tự kỷ bằng tiếng khóc cũng là một cách để biết trẻ có mắc hội chứng này hay không.

Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra rằng cao độ âm thanh tiếng khóc của trẻ em cũng là một dấu hiệu để nhận biết sớm trẻ tự kỷ trong thời gian bé được 6 tháng tuổi.

1. Tình trạng bệnh tự kỷ ngày nay

Tự kỷ là một rối loạn về phát triển, biểu hiện đặc trưng bởi sự khiếm khuyết về mặt tương tác xã hội, giao tiếp và các biểu hiện hành vi định hình, lặp đi lặp lại và bất thường kèm theo nhiều rối loạn về thực thể và tâm thần khác.

Trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ tự kỷ có xu hướng gia tăng rất nhanh chóng. Khảo sát của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) công bố năm 2014 cho biết cứ 68 trẻ thì có 1 trẻ bị rối loạn tự kỷ, tăng 30% so với năm 2012. Riêng tại Việt Nam, bệnh tự kỷ được biết đến vào cuối những năm 90. Từ năm 2000, chứng bệnh này bắt đầu được quan tâm nhiều hơn về vấn đề can thiệp, chữa bệnh tự kỷ tại các bệnh viện Nhi và trung tâm giáo dục đặc biệt.

Số lượng trẻ tự kỷ có xu hướng ngày một gia tăng.

2. Nhận biết trẻ tử kỷ qua tiếng khóc

Các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm như sau: họ ghi âm tiếng khóc của 39 trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng trở lại. Trong đó có 21 bé nguy cơ tự kỷ do anh chị em ruột của chúng mắc chứng bệnh này, số trẻ còn lại khỏe mạnh và gia đình chưa ai có tiền sử bị tự kỷ.

Kết quả họ nhận được gây nhiều bất ngờ, cụ thể: ghi nhận từ thiết bị theo dõi âm thanh cho thấy những trẻ có tiếng khóc với cao độ cao hơn bình thường có nguy cơ bị tự kỷ cao hơn nhóm còn lại. Họ tiếp tục theo dõi những đứa trẻ này cho đến lúc được 3 tuổi thì có 3 em biểu hiện mắc bệnh tự kỷ. Trùng hợp lúc còn nhỏ, 3 bé này thường khóc với cường độ âm thanh cao nhất trong nhóm trẻ được chọn nghiên cứu. Ngoài ra, phân tích của thiết bị cảm âm cũng cho thấy rằng tiếng khóc của 3 đứa trẻ này có vẻ căng thẳng, chát chúa hơn so với những âm thanh xung quanh.

Tuy nhiên, với một người bình thường thì rất khó để nhận ra sự khác biệt trong tiếng khóc của trẻ mắc chứng tự kỷ mà chỉ có thiết bị ghi âm đặc biệt mới phân tích được. Vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng mà suốt ngày chăm chăm theo dõi sự khác lạ trong tiếng trẻ con khóc.

Sheinkopf, đại diện nhóm nghiên cứu trên Tạp chí Autism Research nói rằng: “Chúng tôi không muốn các bậc phụ huynh phải lo lắng thái quá khi nghe tiếng khóc của trẻ”. Nếu những nghiên cứu này được xác thực trong tương lai thì nó giúp các nhà nghiên cứu dễ xác định trẻ có nguy cơ bị tử kỷ sớm trước khi những dấu hiệu điển hình của bệnh này bộc lộ rõ ra ngoài.

Các nhà nghiên cứu kỳ hi vọng phát hiện này cùng những yếu tố khác sẽ giúp các bác sĩ có thể xác định nguy cơ mắc chứng tự kỷ của các bé ngay từ 6 tháng tuổi. Từ đó có những điều trị về tâm sinh lý theo hướng tích cực giúp trẻ cải thiện khả năng hòa nhập cộng đồng.

Cao độ tiếng khóc càng cao thì nguy cơ trẻ bị tự kỷ càng lớn.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *