Giời leo dễ bị nhầm lẫn với bệnh ngoài da khác nên có thể dẫn đến viêm nhiễm nặng do điều trị sai.
Bệnh giời leo là tên gọi mà ông cha ta thường dùng để chỉ các loại bệnh viêm da dị ứng bởi axit photpho hữu cơ khi tiếp xúc với bọ giời hoặc các loại côn trùng có độc. Giời leo tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không kịp thời chữa trị sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt có thể để lại sẹo trên da, gây mất thẩm mỹ.
Bệnh giời leo biểu hiện ra bên ngoài
Vào thời điểm thu hoạch mùa màng hay những lúc chuyển giao mùa trong năm, khi thời tiết trở nên ẩm ướt, các loại côn trùng phát triển mạnh kéo theo sự gia tăng của bệnh giời leo. Có thể nói, bệnh giời leo có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào và có thể gặp ở mọi độ tuổi khác nhau. Dấu hiệu bị giời leo khá giống bệnh zona nên hai loại bệnh này rất hay bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận ra bệnh giời leo thông qua các biểu hiện sau đây:
Thời điểm đầu khi người bệnh bị giời leo, họ sẽ có cảm giác đau rát như da bị trầy xước hay bỏng, ngứa râm ran như bị kim châm ở một vài vùng da. Từ sau khoảng 1 – 2 ngày bị nhiễm bệnh, cơ thể người bệnh sốt nhẹ khoảng 37,5 – 38 độ C, người mệt mỏi, khó chịu. Sau một khoảng thời gian tiếp theo, trên da của người bệnh xuất hiện mảng da đỏ, có những mụn nước nhỏ li ti, rất đau rát, khó chịu và dễ lây lan qua tiếp xúc thông thường. Thời gian đầu những vết giời leo có đường kính 1-2cm ở gần nhau, sau đó lan rộng thành mảng lớn và khoảng 2-3 tuần những mảng giời leo dần mất, các mụn nước xẹp xuống dần. Bệnh này có khả năng tự khỏi nhưng nếu chúng ta cứ mặc kệ không chữa kịp thời thì dễ để lại những vết thâm, sẹo trên da.
Cách diệt con giời leo
Như đã nói ở trên, mọi người hay bị nhầm lẫn giữa bệnh zona và bệnh giời leo nên nhiều người tự ý mua thuốc điều trị mà không hỏi ý kiến bác sỹ. Theo thống kê, cứ 10 bệnh nhân đến khám thì có đến 4 người tự ý sử dụng thuốc sai. Điều này khiến da bị tổn thương sâu hơn, gây phù nề khiến việc điều trị càng phức tạp. Lúc này, ngoài việc bôi thuốc, người bệnh phải dùng thêm kháng sinh để phòng nhiễm trùng do tổn thương lan rộng, nổi mủ.
Cách xử lý giời leo đúng mà các bạn nên tuân theo như sau: ngay sau khi xuất hiện đỏ và ngứa da, cần phải rửa vùng da này bằng nước sạch hoặc nước muối 0,9% nhằm làm sạch chất gây viêm da từ côn trùng. Lưu ý không dùng nước xà phòng rửa và tuyệt đối không bôi các loại thuốc mỡ vào chỗ tổn thương. Điều này sẽ làm tăng bám bụi, ứ đọng dịch tiết phù nề khiến bệnh dễ lây lan hơn. Thay vào đó, nên dùng các dung dịch làm dịu da như kem kẽm, dung dịch jarish bôi, đắp ngày 2 – 3 lần; có thể thay bằng nước lá khế đun sôi để nguội, hồ nước bôi ngày 2 – 3 lần. Điều trị toàn thân bằng thuốc kháng histamin như: cetrizin, loratadin…; Khi bị đau nhiều thì nên dùng các loại thuốc giảm đau như paracetamol, hỗn hợp thần kinh…
Ngoài ra, để tránh lây lan, người bệnh nên tránh sờ tay lên vùng da bị bệnh rồi lại chạm vào vùng da khác hoặc người khác vì chất độc từ côn trùng ở phần da viêm nhiễm có khả năng bám vào phần da mới tiếp xúc và gây bệnh.
Bệnh nhân cũng cần tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh kỹ lưỡng bởi nếu không tắm, chất tiết côn trùng vẫn còn trên da sẽ gây nguy hiểm. Chú ý trong khi tắm bạn cần phải giữ ấm và tắm nước nóng vì sức đề kháng giảm. Trong thời gian dưỡng bệnh tránh hoạt động mạnh, kết hợp dành thời gian nghỉ ngơi nhiều để cơ thể tăng sức mạnh, chống lại vi khuẩn.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.