Để điều trị nhanh chóng, không để lại sẹo, hạn chế tổn thương da, bạn có thể cân nhắc sử dụng những loại thuốc chữa zona này.
Virut varicella zoster là loại virut gây bệnh nên thủy đậu, khi thủy đậu được chữa khỏi, virut này vẫn tồn tại trong cơ thể, lợi dụng cơ hội để phát triển thành zona thần kinh (herpes zoster) thường xảy ra ở người lớn. Thuốc chữa zona nhằm tiêu diệt virut này và làm lành tổn thương da.
Ban đầu, bệnh nhân có dấu hiệu đau nhức đầu, nhạy cảm với ánh sáng, cơ thể mệt mỏi, đôi khi có sốt, ngứa ngáy, đau nhói hoặc đau dữ dội tại một vùng da. Sau 1-5 ngày, da sẽ xuất hiện nhiều nốt ban hồng sẩn, rồi trở thành các cụm mụn nước trong. Mụn nước này có thể lan rộng ra khắp một mảng da lớn. Đặc biệt, mụn nước thường chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể, theo đường đi của dây thần kinh.
Trong 3-5 ngày, bệnh sẽ tiến chuyển qua giai đoạn hóa mủ và loét đóng vảy. Sau 2 tuần, tổn thương da dần lành, để lại sẹo và màu da biến đổi vĩnh viễn. Thuốc chữa zona có nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình lành của vùng da tổn thương và hạn chế di chứng sẹo sau zona. Các loại được sử dụng phổ biến nhất khi bị zona thần kinh bao gồm:
Nhóm thuốc kháng virus
Nhóm thuốc chữa zona này thường sử dụng trong giai đoạn bệnh cấp tính. Thuốc giúp thu hẹp thời gian bài xuất virut gây bệnh, hạn chế hình thành các tổn thương da mới, nhanh liền sẹo, giảm đau. Thường bác sĩ sẽ kê đơn acyclovir hoặc valacyclovir hoặc famcilovir tùy từng trường hợp.
Thuốc này cần phải dùng sớm trong 24 – 48 giờ khi bắt đầu phát hiện triệu chứng, dùng liều cao. Tuy nhiên, với bệnh nhân suy thận, cần cân nhắc giảm liều.
Nhóm thuốc giảm đau
Đau thần kinh sau bị zona thường sẽ xuất hiện sau 30-60 ngày khi phát ban nổi hoặc sau khi da lành và liền sẹo. Cơn đau thường rất khó chịu: đau nhức nhối, bỏng rát như có dao đâm. Bệnh nhân có thể đau liên tục kéo dài nhiều tháng thậm chí nhiều năm, kèm một số kiểu rối loạn cảm giác phức tạp, điển hình là loạn cảm giác đau.
Ngoài những biểu hiện bệnh zona thần kinh này, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện hiện tượng dị cảm (thỉnh thoảng cảm giác như có kim châm tự phát) hoặc loạn cảm (cảm giác không bình thường với các loại kích thích tác động đến da), thậm chí một vài trường hợp bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng của bệnh trầm cảm. Thuốc chữa zona trường hợp này có thể dùng riêng biệt hay phối hợp với nhau bao gồm:
- Lidocain: thường sử dụng dạng thuốc dán 5%. Thuốc này có tác dụng gây kích ứng ngay tại chỗ, ít gây tác dụng phụ có hại cho cơ thể và chỉ được dán trên vùng da lành.
- Kem bôi capsaicin: capsaicin là một hoạt chất được chiết xuất trong quả ớt. Dùng ở dạng bôi với nồng độ khoảng từ 0,025-0,075%. Ban đầu nên bôi thuốc có nồng độ thấp sau đó bôi tới loại nồng độ cao. Thuốc này cũng chỉ được bôi trên vùng da nguyên vẹn. Tác dụng phụ là thuốc có thể gây rát bỏng hơi khó chịu.
- Amitriptylin và nortriptylin: là một loại thuốc chống bệnh trầm cảm 3 vòng. Thông thường thuốc bắt đầu được sử dụng với liều thấp sau sẽ dần tăng cao, phân thành 3 lần uống mỗi ngày. Thuốc có tác dụng an thần, nhưng có một số tác dụng phụ: gây lú lẫn, tiểu bí, tụt huyết áp, khô miệng, rối loạn nhịp tim. Vì vậy, loại thuốc chữa zona này nên được hạn chế cho bệnh nhân là người cao tuổi.
- Oxycodon: đây là một loại thuốc giảm đau họ thuốc phiện. Thuốc có một số tác dụng phụ như: gây táo bón, gây nghiện. Liều được khuyến cáo là từ 5-20 mg/ngày, nhưng nói chung cũng nên hạn chế loại thuốc chữa zona này.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.