Nhiều người không phân biệt được sự khác nhau giữa đau mắt đỏ và đau mắt hột, điều này gây khó khăn cho việc điều trị dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Thế nào là đau mắt đỏ và đau mắt hột?
Tìm hiểu nguyên nhân, đặc điểm, phương thức lây truyền… của bệnh là cơ sở phân biệt sự khác nhau giữa đau mắt đỏ và đau mắt hột.
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ (viêm kết mạc) là bệnh nhiễm trùng mắt thường gặp do vi khuẩn hoặc virus gây ra.
Bệnh có tính lây lan nhanh, đa số trường hợp tự khỏi sau 7 – 14 ngày. Tuy nhiên, có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Có trường hợp tự chữa làm bệnh nặng hơn phải điều trị cũng phải mất từ 1 đến 3 tuần mới khỏi.
Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc chữa trị chủ yếu là chăm sóc, giữ gìn vệ sinh cẩn thận thì sau 6 – 10 ngày, virus sẽ tự hết, người bệnh mới có khả năng khỏi.
Đau mắt đỏ là bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và gia tăng khi thời tiết chuyển mùa. Dịch đau mắt đỏ thường xuất hiện vào tháng 6, tháng 7 hoặc chậm hơn bắt đầu từ đầu tháng 9 do thời tiết ẩm thấp, thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của virus. Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau. Trung gian truyền bệnh chính là dịch tiết của bệnh nhân đau mắt đỏ do có chứa virus. Bệnh rất dễ trở thành dịch và có khả năng lây lan do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua nước mắt, dịch tiết ra từ đường hô hấp như nước bọt hoặc những đồ vật, đồ dùng cá nhân của người bệnh.
Đau mắt hột là gì?
Chứng đau mắt hột là bệnh nhiễm trùng mạn tính của kết mạc và giác mạc, do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra.
Trong khoảng 5 – 12 ngày đầu, vi khuẩn xâm nhập gây viêm mí và màng của mắt. Mắt bắt đầu sưng, đỏ, ngứa nếu để lâu không chữa sẽ thành các vết thẹo trong mí và mắt. Khi mí mắt sưng có thể làm lông mi quặm vào trong, cọ xát vào tròng mắt tạo thêm vết sẹo, làm mờ mắt nặng hơn là mù mắt.
Không chỉ là viêm kết mạc thông thường, bệnh mắt hột là viêm kết mạc đặc hiệu, tiến triển mạn tính, dễ lây lan từ mắt người bệnh sang mắt người lành thông qua những sự tiếp xúc với đồ vật nhiễm khuẩn từ người bệnh. Bệnh thường bắt đầu một cách âm thầm, lặng lẽ, kín đáo và thường ở cả 2 mắt, bắt đầu ở kết mạc sụn mi trên và kết mạc nhãn cầu phía trên. Nhú gai (nhú nhỏ ở giữa có mạch máu nhỏ) và phản ứng nhú gai làm cho toàn bộ kết mạc có màu đỏ trong giai đoạn nhiễm trùng cấp.
Phân biệt giữa đau mắt đỏ và đau mắt hột
Sự khác nhau giữa đau mắt đỏ và đau mắt hột biểu hiện qua triệu chứng của mắt khi bị bệnh.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh đau mắt đỏ để phân biệt sự khác nhau giữa đau mắt đỏ và đau mắt hột chính là mắt bị đỏ và có ghèn. Người bệnh thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Triệu chứng ban đầu khi mắt cảm thấy khó chịu, sau đó cộm như có cát trong mắt, hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt, hai mí mắt sưng nề, mọng. Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, mắt nhức đau, nổi cộm, chảy nước mắt, đỏ, nhiều gỉ mắt, tai xuất hiện hạch, viêm mũi – họng, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng đau và nổi hạch.
Các dấu hiệu và triệu chứng chủ yếu trong giai đoạn đầu của bệnh đau mắt hột bao gồm: ngứa nhẹ và cảm giác vướng như có hạt bụi trong mắt, chảy nước mắt, chất nhầy hoặc mủ. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng của đau mắt hột có thể là: mờ mắt, đau mắt, mắt nhạy cảm với ánh sáng, sau đó mắt bắt đầu nhú gai, nổi hột, mắt xuất hiện màng máu, sụp mi mắt.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.