Miếng dán hạ sốt đã phổ biến trong các gia đình từ lâu, được bày bán rộng rãi tại các hiệu thuốc và có giá bán khá rẻ, dễ sử dụng nên nhiều bậc phụ huynh lựa chọn để hạ sốt cho trẻ.
Miếng dán hạ sốt là một sản phẩm tiện lợi để hạ nhiệt nhanh chóng khi trẻ bị sốt. Nhưng phần lớn các cha mẹ chưa hiểu hết về miếng dán hạ sốt và các nguy cơ con gặp phải nếu dùng không đúng cách.
Miếng dán hạ sốt là gì?
Miếng dán hạ sốt là miếng dán có tác dụng tản nhiệt. Thành phần chủ yếu của nó là hydrogel, bao gồm các polymer dạng chuỗi và không tan trong nước nhưng có khả năng hút một lượng nước lớn ở vùng da được dán lên.
Miếng dán hạ sốt hoạt động theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán nhiệt ở vùng da được dán lên ra bên ngoài. Do đó, khi mới dán lên sẽ có cảm giác mát lạnh, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên thực sự thì miếng dán hạ sốt có tác dụng trong bao lâu? Nếu chú ý quan sát kỹ, phụ huynh sẽ thấy khả năng làm mát của miếng dán không duy trì được lâu. Vùng da được dán miếng dán sẽ nhanh chóng trở lại nhiệt độ ban đầu.
Đặc biệt, do không chứa thuốc hạ sốt nên miếng dán loại này không có tác dụng hạ nhiệt cho toàn bộ cơ thể. Một số loại miếng dán hạ sốt có thêm tinh dầu, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt và chỉ dùng ngoài da nên khả năng hạ sốt cũng rất hạn chế.
Thực tế, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt cho trẻ em. Vì vậy, cha mẹ không nên chỉ dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt.
Miếng dán hạ sốt cho trẻ có nguy hiểm không?
Miếng dán hạ sốt có khả năng hạ sốt nhanh chóng và tiện lợi tuy nhiên các phụ huynh cũng nên chú ý tới các tác dụng phụ khi dùng cho trẻ. Mẹ phải chú ý con liệu có dễ bị dị ứng vì có thể không hợp với các loại miếng dán hạ sốt có thành phần tinh dầu. Một số tác hại của miếng dán hạ sốt nếu lạm dụng mà cha mẹ cần lưu ý:
Không hạ sốt cho trẻ:
Tổ chức Y tế Thế giới WHO hiện đã khuyến cáo không sử dụng phương pháp chườm lạnh vì không đem lại hiệu quả giảm sốt ở trẻ. Trong khi đó, miếng dán hạ sốt thực chất là miếng dán lạnh, tác dụng giảm thân nhiệt cho trẻ rất hạn chế.
Gây biến chứng nặng nề do sốt:
Khả năng hạ sốt của miếng dán rất hạn chế. Vì vậy, nếu trong trường hợp trẻ sốt cao mà phụ huynh chỉ dùng miếng dán hạ sốt thì sẽ vô tác dụng. Và nếu chậm trễ không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ, chỉ trông chờ vào miếng dán hạ sốt thì sẽ rất nguy hiểm, bé có thể đối mặt với nguy cơ lên cơn co giật vì sốt cao quá cũng như mắc các biến chứng về não khác.
Kích ứng da:
Làn da của trẻ rất mỏng và nhạy cảm, dễ bị dị ứng. Một số trẻ có thể bị dị ứng bởi các thành phần có trong miếng dán hạ sốt.
Tác động xấu tới hệ hô hấp:
Hệ hô hấp của trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh có thể chịu ảnh hưởng nặng nề nếu sử dụng một số loại miếng dán hạ sốt có thành phần menthol. Đối với những trẻ bị sốt do viêm phổi, việc sử dụng miếng dán hạ sốt càng khiến hệ hô hấp của trẻ phải hoạt động nhiều hơn, dễ gây tổn thương và gây khó khăn cho bác sĩ trong việc điều trị.
Cha mẹ xử trí như thế nào khi trẻ bị sốt?
Theo dõi thường xuyên thân nhiệt con và cho mặc đồ thoáng: Khi bé mới sốt, phụ huynh cần theo dõi thân nhiệt, sức khỏe tổng quan của bé trong khoảng 2 – 3 ngày. Trong thời gian này, cha mẹ có thể dùng nước ấm thấp hơn 2°C so với thân nhiệt của trẻ để lau người cho bé. Đồng thời, nên cho bé mặc quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi tốt, nằm ở nơi thoáng gió.
Cho trẻ uống thuốc hạ sốt có chứa paracetamol theo lời khuyên của bác sĩ (gồm loại thuốc, liều lượng sử dụng phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ).
Các bậc cha mẹ phải chú ý không nên cho bé uống nhiều loại thuốc hạ sốt cùng lúc vì có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm do phản ứng thuốc.
Không dùng cồn làm mát cho trẻ.
Với trẻ sơ sinh bị sốt, người mẹ cần cho bé bú đủ. Với trẻ lớn hơn, bé cần được uống đủ nước, ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày để làm mát cơ thể, tránh mất nước.
Đưa bé đi khám nếu không đỡ và tiến triển nặng hơn.
Đôi khi sốt cũng là dấu hiệu cảnh báo trẻ gặp một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Nếu bé có các biểu hiện như: sốt trên 38°C, sốt kéo dài trên 24 giờ (bé dưới 2 tuổi) và kéo dài trên 72 giờ (bé trên 2 tuổi), ngủ li bì, ngủ mơ, đi kèm triệu chứng đau họng, đau tai, đau đầu, phát ban, bứt rứt khó chịu, phản xạ kém, co giật, cơ thể tím tái thì cha mẹ cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay để được thăm khám và chăm sóc y tế kịp thời.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.