Tìm hiểu những vấn đề xoay quanh bệnh vảy nến ở trẻ em

Bệnh vảy nến ở trẻ em tuy không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng có thể khiến trẻ cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình.

Vảy nến ở trẻ em là loại bệnh không còn quá xa lạ nữa. Tuy nhiên, không ít người vẫn không hiểu bệnh có những triệu chứng gì và phương hướng đối phó với bệnh ra sao.

1. Bệnh vảy nến ở trẻ em là gì

Vảy nến là bệnh khiến cho các tế bào da phát triển quá nhanh, tích tụ lại trên bề mặt da, làm cho da dày lên, mẩn đỏ và tạo thành từng mảng. Những mảng vảy nến này gây ngứa và phủ đầy vảy màu trắng bạc. Bệnh vảy nến có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, đặc biệt phổ biến nhất là ở đầu gối, da đầu, khuỷu tay và phần thân.

Vảy nến là một bệnh di truyền. Nếu một trong hai cha mẹ mắc bệnh vảy nến, người con có nguy cơ mắc bệnh khoảng 10%. Nếu cả hai cha mẹ đều mắc vảy nến, nguy cơ mắc bệnh của trẻ lên tới 50% hoặc cao hơn.

2. Triệu chứng bệnh vảy nến ở trẻ em

Vảy nến là một căn bệnh mãn tính. Nó có xu hướng phát triển tại một thời điểm rồi lại thuyên giảm và có tính lặp lại. Chu kỳ biểu hiện bệnh thường không dự đoán trước được, đồng thời cũng rất khó để có thể biết được chính xác mức độ nghiêm trọng của các dấu hiệu bệnh vảy nến khi một chu kỳ bệnh bắt đầu. Nhìn chung bệnh vảy nến có các triệu chứng như sau:

  • Xuất hiện các mảng vảy trắng bạc phồng lên trên bề mặt da và có màu đỏ (thường bị nhầm với chứng hăm tã ở trẻ em).
  • Tình trạng da trở nên khô, nứt nẻ, thậm chí có thể chảy máu.
  • Xung quanh vùng da bị vảy nến có cảm giác ngứa.
  • Móng tay và móng chân có hiện tượng dày lên và hình thành các đường lằn sâu.
Khi bị vảy nến, các vùng da của bé bị khô, tróc thành vảy trắng

3. Điều trị bệnh vảy nến ở trẻ em

Hiện nay, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Việc điều trị bệnh chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và giảm thiểu mức độ nặng của các đợt cấp.

Sử dụng các loại thuốc bôi

Thuốc bôi là phương pháp chữa bệnh vảy nến phổ biến nhất. Có tác dụng trong các trường hợp có triệu chứng ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Các thuốc bôi bao gồm các thuốc chứa dược chất điều trị và các loại kem dưỡng ẩm như: thuốc mỡ, lotion, kem bôi, dung dịch bôi. Các loại thuốc này thường phải bôi nhiều lần trong ngày, khá hiệu quả và ít gây tác dụng phụ hơn những phương pháp điều trị khác.

Điều trị bằng ánh sáng

Ánh sáng tự nhiên và nhân tạo đều có thể giúp giảm bớt các triệu chứng bệnh vảy nến. Một số các biện pháp bao gồm sử dụng laser và dược chất kích hoạt bởi nguồn ánh sáng đặc biệt. Tuy nhiên, cần nhớ rằng không nên tự ý cho trẻ sử dụng phương pháp điều trị này mà không tham khảo ý kiến bác sỹ vì nếu tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng thậm chí còn có thể khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Bạn có thể cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên bằng cách đưa trẻ đi dạo trong công viên cùng gia đình hoặc khuyến khích trẻ chơi đùa với bạn bè trong sân…

Các loại thuốc uống và thuốc tiêm

Nếu mức độ bệnh từ trung bình đến nặng, bác sỹ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc uống hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch. Song một số loại thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, vì vậy cần tìm hiểu về các loại thuốc này trước khi quyết định điều trị.

Thay đổi chế độ sinh hoạt

Tập luyện thể dục thể thao, nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống lành mạnh sẽ giúp cơ thể trẻ luôn khỏe mạnh và ít mắc bệnh tật hơn. Ngoài ra, việc giữ cho làn da luôn sạch và đủ ẩm có thể giúp giảm kích ứng da và các triệu chứng khác của vảy nến.

Khi trẻ bị bệnh vảy nến, mẹ cần cho bé nghỉ ngơi, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và chăm sóc da cho bé

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *