Viêm não nhật bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virus viêm não Nhật Bản B gây ra. Hãy tìm hiểu những triệu chứng và hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản gây ra.
1. Triệu chứng bệnh viêm não Nhật Bản
Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm não Nhật Bản đó là người bệnh thường sốt cao 39-40 độ C hoặc có thể hơn.
Sau thời kì ủ bệnh từ 5- 7 ngày thì bệnh nhân sẽ xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn vận động nhãn cầu. Tiếp theo là biểu hiện đau đầu, đặc biệt là vùng trán, đau bụng, buồn nôn và nôn.
Xuất hiện tinh trạng lũ lẫn hoặc mất ý thức
Ở một số trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, ngoài sốt cao thì dấu hiệu bệnh viêm não Nhật Bản có thể là đi ngoài lỏng, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn giống như bị ngộ độc thức ăn.
2. Hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn thần kinh, không chữa kịp thời có thể dẫn đến tình trạng tổn thương não vĩnh viễn, tỷ lệ tử vong rất cao. Hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản qua từng thời kì mắc bệnh như sau:
Thời kỳ ủ bệnh
Thường kéo dài từ 5-14 ngày, trung bình là một tuần. Tiếp đến là bệnh khởi phát rất đột ngột bằng sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đặc biệt là vùng trán, đau bụng, buồn nôn và nôn.Những ngày đầu mắc bệnh, phản xạ gân xương tăng, sung huyết giãn mạch rõ. Ngoài sốt cao, một số người có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn giống như nhiễm khuẩn – nhiễm độc ăn uống.
Thời kỳ toàn phát
Diễn ra ngắn. Do tổn thương các tế bào thần kinh ở não, khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu với sự rối loạn các chức năng sống. Thường từ ngày thứ 3-4 của bệnh các triệu chứng của thời kỳ khởi phát không giảm mà lại tăng lên. Từ mê sảng kích thích, dần dần bệnh nhân hôn mê sâu dần.
Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên với biểu hiện vã mồ hôi nhiều, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở. Đến ngày thứ 6-7 của bệnh xuất hiện các triệu chứng tổn thương não nói chung và tổn thương thần kinh khu trú. Bệnh nhân mê sảng, ảo giác, kích động co quắp. Trong trường hợp nặng có thể thấy co giật và cơ chi hoặc bại, liệt cứng.
Bệnh nhân rối loạn cảm nhận màu sắc và ánh sáng. Hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản thời kỳ này là bệnh nhân thường tử vong trong vòng 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được giai đoạn này thì tiên lượng tốt hơn.
Thời kỳ lui bệnh
Đối với trường hợp vượt được qua giai đoạn toàn phát thì sang tuần thứ 2 của bệnh, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng từ ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu như không có bội nhiễm vi khuẩn khác.
Cùng với nhiệt độ, mạch cũng chậm dần về bình thường, thở không rối loạn, bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, hết nôn và đau đầu, gáy mềm, các dấu hiệu màng não cũng trở về âm tính. Tuy tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc và hội chứng não – màng não giảm dần thì các tổn thương thần kinh khu trú lại rõ hơn trước.
Bệnh nhân có thể bại và liệt chi hoặc liệt các dây thần kinh sọ não hoặc rối loạn sự phối hợp vận động… Thời kỳ này có thể xuất hiện những di chứng viêm não Nhật Bản sớm như: Viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm; viêm bể thận, bàng quang do phải thông đái hoặc đặt sond dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm và rối loạn dinh dưỡng…
Những hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản sớm có thể gặp là: Bại hoặc liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, rối loạn phối hợp vận động, múa giật múa vờn, bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, thậm chí là co cứng mất não…
Tử vong thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương hành não dẫn đến rối loạn hô hấp, tim mạch trầm trọng.
Tử vong ở giai đoạn sau chủ yếu do các biến chứng đặc biệt như bệnh lý viêm phổi, suy kiệt cơ thể quá mức…
Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng suốt đời mà hay gặp là rối loạn tâm thần.
Để tránh những hậu quả của bệnh viêm não Nhật Bản gây ra khôn lường, mỗi người phải tự trang bị kiến thức bệnh: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết để có hướng điều trị kịp thời và hiệu quả
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.