Đau mắt đỏ dùng lá trầu không để xông là mẹo dân gian được rất nhiều người chia sẻ. Nhưng trên thực tế các bác sĩ chuyên khoa cho rằng việc làm này có thể gây tổn thương mắt nghiêm trọng hơn. Người bệnh nên hết sức thận trọng khi dùng phương pháp này.
Mẹo chữa đau mắt đỏ dùng lá trầu không
Khi bị đau mắt đỏ dùng lá trầu không để xông là một trong những mẹo dân gian chữa đau mắt đỏ được rất nhiều người sử dụng nhằm tránh việc sử dụng kháng sinh.
Theo lương y Bùi Hồng Minh – Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình Hà Nội, trong tài liệu Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, mùi hắc, tính ấm, có tác dụng chủ yếu dùng để trừ phong, tiêu viêm, sát trùng, kháng khuẩn hiệu quả.
Theo nghiên cứu trong 100g lá trầu có chứa tới 2,4% tinh dầu có hoạt tính kháng sinh ức chế nhiều chủng vi khuẩn và kháng nấm mạnh. Dựa theo tính chất ấy nhiều người cho rằng xông lá trầu để hơi bốc lên, tinh dầu bay vào mắt có thể tiêu diệt vi khuẩn gây đau mắt đỏ. Vậy đau mắt đỏ dùng lá trầu không để xông có thật sự tốt như dân gian vẫn truyền miệng?
Ý kiến chuyên gia về xông lá trầu trị đau mắt đỏ
Theo BS Đặng Văn Quế – Phó giám đốc Bệnh viện Mắt DND, đau mắt đỏ dùng lá trầu không để xông sẽ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng hoặc loét giác mạc.
“Trong lá trầu không có tinh dầu nóng dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt và gây bỏng mắt do sức nóng, khi vừa xông xong người bệnh sẽ có cảm giác dễ chịu và đỡ cộm nên thường dễ lầm tưởng có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh các loại lá trên có tác dụng chữa trị đau mắt đỏ, ngược lại nó có thể càng làm cho mắt phù nề hoặc bị nhiễm khuẩn nặng hơn, nhất là trong trường hợp người dùng không rửa sạch lá trước khi đắp hoặc xông“, bác sĩ khẳng định.
Theo chuyên gia, đau mắt đỏ dùng lá trầu không xông là không nên
Đồng quan điểm với BS Quế, TS-BS Lê Xuân Cung, Phó Trưởng khoa Kết giác mạc (BV Mắt Trung ương) cũng khuyến cáo việc đau mắt đỏ dùng lá trầu không là không nên.
“Việc hơ lá trầu không cho nóng rồi đắp lên mắt là hết sức nguy hiểm vì có thể gây bỏng giác mạc, viêm loét, gây nhiễm trùng và bội nhiễm, làm tình trạng bệnh nặng thêm. Viêm kết mạc là bệnh không quá nguy hiểm, có thể điều trị khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm và thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ” – TS Cung nhấn mạnh.
Lời khuyên của chuyên gia khi bị đau mắt đỏ
Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi bị đau mắt đỏ người bệnh tuyệt đối không nên làm 3 điều sau để tránh mắt bị tổn thương nghiêm trọng.
- Không tự mua thuốc kháng sinh điều trị để tránh biến chứng có thể dẫn đến mất thị lực.
- Không nên dùng các mẹo dân gian để chữa đau mắt đỏ vì có thể gây kích ứng, làm mắt đỏ và sưng thêm.
- Không để mắt làm việc quá sức, hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại…khi đang bị đau mắt.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cũng đã đưa ra một số hướng dẫn xử trí khi có người bị bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ:
- Lau ghèn, rỉ mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng khăn giấy ẩm. Chỉ dùng khăn sử dụng 1 lần, không sử dụng lại.
- Không nhỏ mắt lành bằng thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.
- Tránh ôm ấp, tiếp xúc gần với trẻ em, người thân và những người xung quanh khi đang bị bệnh.
- Trước và sau khi nhỏ mắt, lau mắt cần rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.
- Nên nghỉ ngơi và dùng thuốc theo đúng đơn thuốc của bác sĩ.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.