Tác dụng hạ đường huyết của insulin với bệnh nhân tiểu đường

Nhờ tác dụng hạ đường huyết của insulin nên loại thuốc này là phương pháp được sử dụng phổ biến để ổn định đường huyết cho các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên việc sử dụng insulin cần hết sức lưu ý, trong vài trường hợp nếu tiêm insulin không đúng cách sẽ rất nguy hiểm.

Vai trò và tác dụng hạ đường huyết của insulin

Thức ăn chứa carbohydrate khi vào cơ thể tiêu hóa sẽ được chia nhỏ và chuyển hoá thành glucose. Hầu hết lượng glucose này được đưa vào máu, do đó làm nồng độ đường trong máu tăng lên. Sự tăng đường huyết báo hiệu tuyến tụy cần sản sinh insulin cân bằng lại.

Insulin là một hormon polypeptid do tế bào beta của tuyến tụy tiết ra. Insulin giúp ổn định nồng độ đường huyết sau khi gắn với các thụ thể đặc hiệu trên bề mặt tế bào của các mô nhạy cảm với insulin như gan, cơ vân và mô mỡ.

Insulin ức chế tạo đường glucose ở gan, tăng sử dụng glucose ở ngoại vi. Insulin sẽ đưa glucose từ máu vào trong tế bào, giúp giảm nồng độ glucose trong máu. Một số tế bào sẽ lấy glucose để tạo thành năng lượng. Một số khác như tế bào gan và cơ sẽ dự trữ glucose dưới dạng glycogen để tạo năng lượng khi cần thiết.

Điều trị tiểu đường bằng insulin

Nhờ cơ chế gây hạ đường huyết của insulin nên hoạt chất này có mối quan hệ mật thiết với bệnh tiểu đường. Người bệnh tiểu đường type 1 tuyến tụy thường mất khả năng sản sinh insulin khiến tế bào cũng ngừng hấp thụ glucose, làm cho hàm lượng glucose trong máu cứ thế tăng lên không ngừng.

Ở người bệnh tiểu đường type 2, tuyến tụy vẫn sản sinh insulin như bình thường. Tuy nhiên, cơ thể lại bị mất khả năng sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào. Do đó, tuyến tụy sản sinh ra nhiều insulin hơn nhưng không thể điều hòa được lượng glucose trong máu.

Tiêm insulin là phương pháp được dùng để điều trị bắt buộc cho người tiểu đường type 1. Riêng với người tiểu đường type 2 việc tiêm insulin phụ thuộc hoàn toàn vào chẩn đoán của bác sĩ. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ ý kiến của bác sĩ để tiêm đúng loại, đúng liều lượng và đúng kỹ thuật.

Tiêm insulin là phương pháp được dùng để điều trị bắt buộc cho người tiểu đường type 1

Thận trọng khi tiêm insulin

Theo chia sẻ của các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai, việc tiêm Insulin để hạ đường huyết nếu làm không đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm trong quá trình điều trị tiểu đường.

Nếu tiêm tại cùng một vị trí quá nhiều mũi thì dễ bị loạn dưỡng lớp mỡ dưới da, insulin không hấp thu được nên không làm giảm đường trong máu, sau một thời gian insulin dưới da lại tự hấp thu vào trước bữa ăn dẫn đến hạ đường huyết. Tiêm thừa insulin với lượng thức ăn rất dễ hạ đường huyết gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là tử vong.

Thạc sĩ Nguyễn Huy Cường, nguyên bác sĩ khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai cho biết khi tiêm insulin, người bệnh cần chọn đúng chủng loại, số lượng cần thiết, tiêm đúng vào vùng da nếu không sẽ nguy hiểm. Cách tốt nhất, người bệnh không nên tự ý tiêm insulin mà nên đến gặp bác sĩ để được tiêm thích hợp.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *