Bụi mịn là gì? Tìm hiểu thông tin về bụi PM10 – PM2.5 – PM1.0

Mối nguy đe dọa đến sức khỏe của toàn dân nước ta hiện nay chính là bụi mịn. Vậy bụi mịn là gì và nó nguy hiểm như thế nào với cơ thể chúng ta.

Nếu trước đây chúng ta chỉ phải đối phó với các loại ô nhiễm khói bụi thông thường trong không khí thì trong hơn 2 năm trở lại đây, cả nước ta đang phải đối đầu với một loại bụi nguy hiểm hơn chính là bụi mịn. Bụi mịn là gì và nó khác gì với những loại bụi khác?

Tìm hiểu bụi mịn là gì?

Bụi là một hợp chất phức tạp chứa các hạt vô cơ và hữu cơ ở dạng lỏng hoặc rắn bay lơ lửng trong không khí, bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, cacbon đen, bụi khoáng và nước.  Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu PM.

Do kích thước và mật độ bụi trong không khí khác nhau nên chúng được nhận dạng bằng chỉ số kích thước của chính nó được tính bằng đơn vị micromet (μm – kích thước bằng một phần triệu mét). Hiện nay có 3 loại bụi có kích thước siêu vi được nhắc đến nhiều nhất là PM10, PM2.5 và PM1.0.

Bụi mịn PM10 là gì?

Bụi mịn PM10 là các hạt bụi có kích thước đường kính từ 2.5 tới 10 µm. Ô nhiễm bụi PM10 tại TP.HCM chủ yếu phát sinh từ khí thải xe với 70.42% số liệu vượt quy chuẩn cho phép.

Nước ta đã phát hiện được bụi mịn PM 10 từ lâu do có đủ hạ tầng để khảo sát. Nhưng đối với những loại có kích thước nhỏ hơn thì tới hiện tại mới có thể đo lường được.

Mặc dù đây thuộc loại bụi mịn nhưng nó vẫn chưa phải là loại nguy hiểm nhất. Hiện nay, vấn đề gây nhức nhối nhất trong cộng đồng chính là đối phó với bụi PM2.5.

Bụi mịn PM2.5 là gì?

Bụi PM2.5 có kích thước nhỏ hơn đường kính sợi tóc chúng ta

Bụi mịn PM2.5 là các hạt bụi có kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2.5 µm. So với sợi tóc của chúng ta thì nó nhỏ hơn khoảng 30 lần.

Cùng với bụi PM10, PM2.5 có thể sinh ra từ tự nhiên như cháy rừng, bụi sa mạc, khói núi lửa, các cơn bão cát, lốc xoáy, hoặc từ chất thải sinh vật như phấn hoa, bào tử nấm, nước thải côn trùng. Tuy nhiên dẫn đến ô nhiễm như hiện nay thì hầu hết được sinh ra từ hoạt động của con người thông qua việc đốt than củi, đốt nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, bụi đường phố, đốt rác thải, khói máy công nghiệp, phá rừng, hút thuốc. 

Bụi mịn PM1.0 là gì?

Bụi mịn PM1.0 là những hạt bụi dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí. Chúng có kích thước nhỏ hơn 0.1 micromet nên còn được gọi là bụi nanomet, bụi nano. Đây được xem như loại bụi siêu mịn và cực kỳ nguy hại đối với sức khỏe và môi trường. 

Bụi mịn PM1.0 đã xuất hiện tại nước ta từ vài năm trở lại đây, nhất là vào những ngày nhiệt độ xuống thấp hoặc không khí khô. 

Ảnh hưởng của bụi mịn với sức khỏe

Theo ThS. Vũ Xuân Đán – Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP. Hồ Chí Minh cảnh báo: “Bụi càng mịn càng dễ đi sâu vào hệ hô hấp. Nó có thể ảnh hưởng đến cấu trúc DNA, bởi sự mất cân bằng oxy khiến các tế bào khỏe mạnh bị hủy hoại, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa các chất hữu cơ của DNA. Các hóa chất trong bụi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc DNA. Các kim loại chuyển tiếp trong thành phần bụi như Cr, Cd, Ni và chất aldehyde có thể cản trở cơ chế sửa lỗi của DNA, gây ung thư phổi”.

Bụi mịn là gì mà có thể gây nguy hiểm đến vậy? Nếu là các hạt bụi có kích thước lớn hơn 10 micromet thì có thể bị hàng rào phòng vệ bên ngoài như chất nhầy, lông, tiêm mao của đường hô hấp trên bắt giữ và loại trừ khi chúng ta hắt hơi, ho, xỉ mũi, khạc đờm nhầy… Tuy nhiên, do kích thước quá nhỏ nên bụi PM10, PM2.5 và PM1.0 có khả năng len sâu vào cơ thể khi chúng ta hít thở. Tùy kích thước của bụi mà mức độ xâm nhập của chúng sẽ khác nhau nhưng nhìn chung đều gây nguy hiểm đến sức khỏe. Đặc biệt với bụi PM 1.0 có kích cỡ nano, chúng dễ dàng ăn vào máu và tế bào. Hậu quả dẫn đến là nguy cơ ung thư và tử vong tăng cao nếu hít phải.

Hít phải bụi mịn trong không khí gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Bảo vệ sức khỏe trước cơn bão bụi mịn

Do mức độ nguy hiểm của bụi mịn đối với sức khỏe nên chúng ta cần chung tay bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Ý thức về việc bảo vệ môi trường sống xanh xung quanh chính là lời giải cho bài toán khó về đối phó với bụi mịn. 

Bên cạnh đó, khi hiểm họa kề bên, những biện pháp khắc phục đơn giản sẽ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ hít phải bụi mịn. Bạn nên sử dụng khẩu trang có khả năng chống bụi PM khi lưu thông trên đường, giảm triệt để nguồn gốc phát sinh bụi xung quanh và xây dựng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng để tăng cường đề kháng cho cơ thể chống lại bụi mịn xâm nhập.

Hy vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc bụi mịn là gì khi đưa ra thông tin về 3 loại bụi mịn phổ biến hiện nay cho bạn. Mong rằng bạn sẽ có những phương pháp hữu ích để chống bụi, bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *