Thủy đậu là căn bệnh phổ biến, đặc biệt các nốt mụn thủy đậu gây ngứa và rất dễ để lại sẹo thủy đậu, thậm chí có nguy cơ biến chứng lên mủ. Vậy thủy đậu mụn mủ gây nguy hiểm như thế nào và cách xử lý ra sao, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Thủy đậu là gì và nguyên nhân mắc phải bệnh?
Thủy đậu là bệnh ngoài da do một loại virus gọi là Varicella zoster (VZV) gây ra, trẻ em thường dễ mắc phải thủy đậu hơn người lớn. Bệnh biểu hiện bởi các triệu chứng thường thấy là sốt, nổi ban đỏ và các nốt phỏng nước. Thậm chí có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim… vì thế cần lưu ý theo dõi và điều trị can thiệp kịp thời.
Bệnh lan truyền thông qua các con đường chủ yếu như:
- Lây qua đường hô hấp khi người chưa có kháng thể miễn dịch với virus gây bệnh tiếp xúc với bệnh nhân.
- Sử dụng chung đồ dùng cá nhân (như khăn mặt, bàn chải đánh răng) hoặc ăn uống chung với bệnh nhân.
- Con đường gián tiếp khi chạm phải chất dịch của các nốt mụn nước thủy đậu trên da bệnh nhân.
Bệnh thủy đậu mụn mủ là gì và có nguy hiểm không?
Thủy đậu lên mủ là trường hợp do bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn trên da (do tụ cầu hay liên cầu khuẩn…). Thông thường biểu hiện của bệnh nhân thủy đậu là nổi các nốt thủy đậu mụn nước đỏ, có nước bên trong, nhưng một số trường hợp bệnh nhân không vệ sinh các nốt mụn này sạch sẽ hay để vỡ mụn nước, thì có nguy cơ rất cao bị tình trạng mủ.
Nguy hiểm nhất là việc vi khuẩn có thể thông qua vết thương này mà xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu. Cho dù bệnh nhân có khỏe lại thì các nốt mụn mủ đó cũng biến thành sẹo lõm, ảnh hưởng đến thẩm mỹ đặc biệt với những người bị thủy đậu mụn mủ nhiều trên da.
Nhìn chung thủy đậu mụn mủ cũng không quá nguy hiểm nếu được can thiệp và ngăn chặn di chứng sớm, không để dẫn đến nhiễm trùng máu.
Điều trị thủy đậu mụn mủ
Khi bị thủy đậu mụn mủ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế hay bệnh viện chuyên khoa để được chữa trị và kê đơn sớm. Thường bệnh nhân bị bội nhiễm da sẽ được uống thuốc kháng sinh và bôi thuốc đặc trị. Cần lưu ý trong quá trình điều trị thủy đậu mụn mủ bệnh nhân tuyệt đối không nên gãi khiến các nốt mụn vỡ ra.
Việc kết hợp sử dụng kháng sinh đường uống và sử dụng một số thuốc sát khuẩn trên da để bôi (xanh metylen hoặc thuốc tím) là để chống bội nhiễm. Thuốc kháng sinh có thể được sử dụng ở đường uống thông thường như Amoxiciclin, người lớn thì có thể dùng Amoxiciclin 500mg. Nếu bạn từng có tiền sử dị ứng với thành phần thuốc kháng sinh thì không sử dụng kháng sinh.
Trong quá trình điều trị cần lưu ý vệ sinh bằng, tắm nước ấm hằng ngày, không để các nốt mụn nước vỡ ra khi vệ sinh. Tránh quan niệm kiêng nước vì tắm thường xuyên sẽ giúp loại trừ vi khuẩn trên da và giảm nguy cơ bội nhiễm.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.