Cao huyết áp ở người trẻ (từ 35 tuổi trở xuống) đang được báo động là có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì không có dấu hiệu điển hình.
Cao huyết áp ở người trẻ không có các triệu chứng điển hình
Thống kê cho thấy, có đến 70% cao huyết áp ở người trẻ không bao gồm các triệu chứng, dấu hiệu điển hình như đau nhức đầu, chóng mặt… Bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh nhân đi khám vì một vấn đề khác.
Hiện tượng huyết áp cao ở người trẻ phổ biến là cao ở số dưới, điều này ngược với trường hợp cao huyết áp của những người lớn tuổi. Một số dấu hiệu có thể gặp ở người trẻ bị cao huyết áp gồm: dễ nổi nóng, khó điều khiển cảm xúc, thiếu tập trung, dễ bị phân tâm…
Bệnh này cũng có nguy cơ rất cao dẫn đến các biến chứng liên quan đến tim mạch, tai biến – đột quỵ… Ngoài ra, chứng bệnh này còn khiến người trẻ đối mặt với tình trạng rối loạn chức năng tình dục cao hơn gấp 2,5 lần so với những người bình thường. Tỷ lệ này còn tiếp tục gia tăng nếu một người trẻ tuổi vừa bị cao huyết áp vừa mắc thêm tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính….
So với người già, ở người trẻ cũng đặt ra rất nhiều khó khăn trong điều trị mà chủ yếu xuất phát từ chính tâm lý chủ quan và che giấu của người bệnh vì sợ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống. Cách điều trị bệnh tăng huyết áp có rất nhiều, nhưng cần bệnh nhân chủ động áp dụng sớm để có hiệu quả cao nhất.
Nguyên nhân phổ biến nhất
95% bệnh nhân lớn tuổi bị cao huyết áp không tìm được nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên đối với người trẻ, tỷ lệ tăng huyết áp có nguyên nhân được ghi nhận là cao hơn. Những nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến những bệnh lý như bệnh thận mạn tính, rối loạn nội tiết tố, lạm dụng rượu bia… Thêm vào đó, một số yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc huyết áp cao là nghiện thuốc lá, bệnh thừa cân béo phì, tình trạng stress kéo dài, ăn quá mặn…
Phòng ngừa bệnh
- Trước hết để hạn chế hiện tượng cao huyết áp, người trẻ cần thực hiện chế độ giảm cân với mức ăn uống khoa học, hợp lý: hạn chế đường, chất béo; nên bổ sung đạm và chất xơ; hạn chế ăn quá mặn; đặc biệt nên bổ sung các chất có lợi cho chức năng của tim mạch như: kali, canxi, magie…
- Bổ sung các chất đạm có nguồn gốc từ thực vật và cá, hạn chế chất đạm từ thịt động vật.
- Không nên ăn quá ngọt kể cả không có bệnh tiểu đường.
- Tăng cường ăn rau xanh và trái cây tươi để bổ sung khoáng chất, vitamin, chất xơ.
- Bỏ hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng rượu bia.
- Tăng cường tập luyện để rèn luyện thể chất.
- Giữ nếp sinh hoạt khoa học, điều độ, cân bằng giữa nghỉ ngơi và làm việc.
Hãy bỏ ngay suy nghĩ cao huyết áp chỉ đến với những người lớn tuổi mà chủ quan và lơ là. Nếu không điều trị kịp thời, cao huyết áp ở người trẻ hoàn toàn có thể gây ra các biến chứng và di chứng vô cùng nguy hiểm không thua kém chứng cao huyết áp ở người già, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.