Bệnh thủy đậu là căn bệnh phổ biến, có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nguy cơ mắc bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa thủy đậu cũng rất cao. Vì vậy phụ huynh nên nắm rõ thông tin về bệnh để có cách bảo vệ trẻ.
Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Bệnh thủy đậu do một loại virus có tên Varicella zoster gây ra. Thông thường, vào những thời điểm nắng nóng trong năm, nhất là vào khoảng tháng 3, tháng 4, dịch thủy đậu lại bùng phát và gieo rắt mầm bệnh lên nhiều trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh có hai nguồn chính. Một là do bẩm sinh, hai là do trẻ bị lây nhiễm virus gây thủy đậu.
- Do bẩm sinh:
Trong giai đoạn mang thai, nếu thai phụ bị mắc bệnh thủy đậu và không được điều trị dứt điểm, virus vẫn còn ẩn nấp trong cơ thể thì khả năng lây truyền sang thai nhi là rất cao. Đặc biệt trong giai đoạn thai nhi từ 13 – 20 tuần tuổi, khi mẹ mắc bệnh thủy đậu, thai nhi rất dễ bị dị tật, ví dụ như dị dạng hộp sọ, dị tật tim, hoặc nghiêm trọng hơn là sảy thai.
- Do lây nhiễm:
Mặc dù bệnh thủy đậu là lành tính với biểu hiện là các nốt ban ngứa trên da, nhưng thủy đậu có thể xem là loại bệnh có khả năng lây nhiễm cực cao. Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể là do trẻ tiếp xúc với mầm bệnh qua đường hô hấp hoặc qua da của người bệnh. Vì vậy, nếu bố/mẹ, người thân thường túc trực bên trẻ có mang mầm bệnh thủy đậu thì nguy cơ cao trẻ sẽ bị lây nhiễm.
Ngoài ra, trong giai đoạn bú sữa mẹ, nếu mẹ bị nhiễm thủy đậu thì mầm bệnh có thể lây sang cho trẻ.
Triệu chứng của bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh khi bị thủy đậu có thể có các triệu chứng sau:
- Ban ngứa nổi trên da, chủ yếu ở mặt và tứ chi. Sau có thể lan ra toàn thân.
- Sốt cao.
- Ngứa ngáy vùng da bị ảnh hưởng.
- Trẻ quấy khóc.
- Trong nốt mụn có chứa dịch. Nếu nhiễm trùng dịch có thể chuyển đục.
- Số lương ban ngứa có thể lên đến 500 cái.
Một số triệu chứng khác có thể đi kèm như: Ho nhẹ, chảy nước mũi, thở khò khè, bú ít hoặc bỏ bú. Các triệu chứng của bệnh thủy đậu này thường xuất hiện trước khi trẻ phát ban từ 3 – 4 ngày.
Phương pháp phòng bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Trong trường hợp trẻ khỏe mạnh, các nốt mụn có thể khô lại, đóng vảy và lành hẳn sau hơn một tuần mắc bệnh. Tùy vào thể trạng mà bệnh có thể kéo dài hơn. Nếu như trẻ có sức đề kháng yếu và bị nhiễm trùng trong quá trình nổi mụn nước, các nốt mụn có thể bị nhiễm trùng, sau xâm nhập vào máu và gây nhiễm trùng huyết. Ngoài ra, một số biến chứng khác mà trẻ có thể gặp phải là viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não hoặc các dị tật về tim và hộp sọ nếu bị thủy đậu ngay từ khi trong bụng mẹ.
Để phòng bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh, phương pháp tối ưu nhất là phụ huynh nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế uy tín để tiêm ngừa vắc-xin phòng thủy đậu.
Trước khi mang thai, phụ nữ nên tiêm ngừa thủy đậu để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Hoặc trong quá trình mang thai, nếu thai phụ mắc bệnh thủy đậu, nên kịp thời thông báo đến bác sĩ để có hướng phòng ngừa cho thai nhi.
Người mẹ bị thủy đậu không nên trực tiếp cho con bú mà nên cách ly hoàn toàn cho đến khi khỏi hẳn bệnh.
Với trẻ sơ sinh đã tiếp xúc với mầm bệnh, trong vòng 3 ngày kể từ ngày tiếp xúc, trẻ có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Khả năng phòng ngừa của vắc-xin hiện nay rất tốt, kết quả đạt được lên đến 80 – 90%. Hoặc nếu trẻ có nhiễm thủy đậu sau khi tiêm vắc-xin, thì biểu hiện của thủy đậu cũng rất nhẹ và thời gian hồi phục rất nhanh, tình trạng không đáng lo ngại.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.