Mức cholesterol trong máu gắn liền với sức khỏe tim mạch, do đó việc kiểm tra cholesterol thường xuyên là điều vô cùng cần thiết.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hiện nay việc kiểm tra cholesterol để chẩn đoán tình trạng tim mạch đã dễ dàng hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố mà đôi khi kết quả xét nghiệm không hoàn toàn chính xác. Để có thể an tâm về kết quả, bạn nên tránh những yếu tố tảnh hưởng đến kết quả kiểm tra cholesterol sau đây.
Cholesterol
Cholesterol là chất béo steroid, mềm, màu vàng nhạt, có ở màng tế bào của các mô trong cơ thể, và được vận chuyển trong huyết tương của mọi động vật. Nó được sản xuất hàng ngày từ gan (nguồn nội sinh) mỗi ngày từ 1,5g – 2g. Cholesterol có 3 loại chính: LDL cholesterol, HDL cholesterol, và cholesterol toàn phần. LDL cholesterol cao làm tăng cơ hội phát triển bệnh mạch vành, có thể làm nghẹt mạch máu. Trong khi đó HDL cholesterol có khả năng lấy bớt cholesterol từ các mảng bám vào thành mạch máu để mang về gan tiêu huỷ. Bằng cách kiểm tra cholesterol, bạn có thể xác định tổng LDL Cholesterol, HDL cholesterol trong máu và nguy cơ mắc bệnh tim mạch tương đối.
Chế độ ăn uống là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra cholesterol
Chế độ ăn uống của bạn thường là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra cholesterol quan trọng nhất. Theo bài báo UC Berkeley Wellness, chế độ ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa, là những thủ phạm chính trong việc tăng mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL. Ăn thực phẩm chứa nhiều cholesterol như trứng và thịt đỏ cũng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác của các xét nghiệm cholesterol. Do đó, để có kết quả chính xác nhất, bạn không nên ăn gì trước thời điểm xét nghiệm 12 giờ.
Rượu
Uống rượu có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm cholesterol của bạn. Theo hướng dẫn sức khoẻ Gia đình của Harvard, bạn nên tránh uống rượu ít nhất 24 giờ trước khi kiểm tra cholesterol. Theo Cigna Healthcare, việc sử dụng rượu lâu dài cũng có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol HDL của bạn. Nếu bạn có nguy cơ bị bệnh tim hoặc có cholesterol HDL thấp, hãy nói chuyện với bác sỹ để được tư vấn về chế độ ăn, sinh hoạt và cách phòng bệnh phù hợp.
Sức khoẻ và thương tích
Sức khoẻ và thương tích nói chung có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến mức cholesterol của bạn. Hướng dẫn về Sức khoẻ Gia đình của Harvard giải thích rằng, thương tích cấp tính bao gồm cơn đau tim, đột quỵ..hoặc các cuộc phẫu thuật vừa xảy ra có thể làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra cholesterol.
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính như: ung thư, đái tháo đường,… cũng có thể khiến mức cholesterol của bạn giảm xuống. Trong một số trường hợp, mức cholesterol thấp một cách bất thường, đôi khi là dấu hiệu đầu tiên của một số bệnh ung thư.
Sự gia tăng ăng thẳng về tâm lý hoặc thể chất cũng có thể ảnh hưởng đến các kết quả kiểm tra cholesterol. Vì lý do này, tốt hơn hết bạn nên tránh tập thể dục mạnh trước khi xét nghiệm cholesterol.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.