Đưa trẻ đi tiêm vacxin phòng sởi – quai bị – rubella (3 trong 1) là điều mà các bậc phụ huynh nên làm để giúp con em mình phòng tránh 3 căn bệnh này.
Vacxin 3 trong một hay còn gọi là vacxin tiêm phòng sởi quai bị rubella là loại vacxin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới ( WHO). Đây là một trong số những vacxin không thể thiếu trong lịch tiêm phòng của trẻ nhỏ mà các mẹ cần lưu ý để tiêm phòng đầy đủ cho con. Sau đây là một số thông tin hữu ích để các mẹ nắm được về vacxin cũng như lịch tiêm phòng vacxin sởi – quai bị – rubella cho trẻ.
1. Tại sao cần tiêm vacxin phòng sởi – quai bị – rubella (3 trong 1) cho trẻ?
Trước tiên các mẹ cần biết tại sao nhất định phải tiêm phòng vacxin phòng sởi, quai bị, rubella cho trẻ. Bởi 3 căn bệnh này đều rất dễ lây lan và nhất là đối với trẻ nhỏ khi mà hệ miễn dịch của trẻ còn kém mà hậu quả để lại lại vô cùng nghiêm trọng.
- Đối với sởi , đây đã từng là một dịch bệnh nguy hiểm cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ và cả người lớn, nhẹ thì viêm phổi, tổn thương não, nặng thì tử vong.
- Đối với quai bị trẻ thường có biểu hiện sốt, nhức đầu, biếng ăn, sưng hạch, biến chứng để lại có thể là điếc, viêm màng não hoặc có thể gay vô sinh.
- Rubella có thể gây phát ban, viêm khớp, sốt.
2. Khi nào cần đưa trẻ đi tiêm vacxin phòng sởi – quai bị – rubella (3 trong 1)
Các bà mẹ nên cho con tiêm phòng sởi quai bị rubella vào 2 thời điểm. Liều 1 là khi trẻ từ 12 – 15 tháng tuổi và liều 2 là từ 4 – 6 tuổi (tuy nhiên trẻ có thể tiêm sớm hơn nếu đã cách mũi đầu 1 tháng ). Tuy nhiên đối với trẻ trong vùng dịch chưa được tiêm phòng vacxin sởi – quai bị – rubella thì có thể tiêm mũi đầu khi trẻ đủ 9 tháng sau đó dùng mũi nhắc lại khi trẻ 15 – 18 tháng và mũi cuối cùng từ 3 – 5 năm. Kể cả với người lớn cũng có thể tiêm phòng vacxin này nếu chưa từng được tiêm.
Cần lưu ý phụ nữ đang mang thai không nên tiêm loại vacxin này hoặc nên tránh mang thai sau khi tiêm ít nhất 4 tháng. Những người đang bệnh, hoặc đang điều trị hay sử dụng thuốc, chế phẩm nào khác cũng nên dừng việc tiêm phòng vacxin lại và hoãn đến khi khỏe mạnh trở lại.
Bên cạnh việc đưa con em đi tiêm phòng các mẹ cũng cần lưu ý những vấn đề sau tiêm, bởi cũng giống như bất kì loại thuốc hay vacxin nào khác thì vacxin sởi quai bị rubella cũng có những tác dụng phụ không mong muốn ít gặp phải và cũng có thể gây tử vong nếu dị ứng nặng, tuy nhiên tỷ lệ này là rất hiếm gặp.
Đối với tác dụng phụ thông thường thì sau khi tiêm về trẻ có biểu hiện:
- Sốt (không xảy ra nhiều nhưng cũng là biểu hiện thông thường ở một số trẻ).
- Phát ban nhẹ (đây là biểu hiện ít gặp).
- Sưng hạch ở má hoặc cổ (khi trẻ có biểu hiện này có thể đưa đến cơ sở y tế kiểm tra để tránh nhầm lẫn với biểu hiện của các bệnh lí khác).
Đó là những biểu hiện có thể gặp phải ở trẻ sau khi tiêm vacxin từ 6 – 14 ngày và thường ít lặp lại ở liều thứ 2. Các mẹ cần lưu ý nếu các biểu hiện kéo dài thì cần đưa trẻ đi kiểm tra ngay để biết có phải phản ứng với vacxin hay là biểu hiện của bệnh lí khác mà trẻ mắc phải.
Phía trên là những lí thuyết cơ bản mà các mẹ cần nắm vững về vacxin sởi – quai bị – rubella để kịp thời cho trẻ được đi tiêm phòng đúng thời gian, nâng cao hệ miễn dịch cho con em mình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.