Suy dinh dưỡng bụng to có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng, tình trạng kinh tế của gia đình, thể trạng bẩm sinh của trẻ…
Thông thường hình ảnh mặc định trong tâm trí chúng ta về suy dinh dưỡng ở trẻ là những thân hình gầy quắt, teo héo, thiếu cân nặng… Nhưng thật chất, suy dinh dưỡng trẻ em còn tồn tại nhiều cấp độ khác nhau. Đặc biệt mức độ suy dinh dưỡng nặng được biểu hiện ở 3 thể: thể phù, thể teo và thể phối hợp. Trong đó thể phù là dạng thường ít khi được gia đình phát hiện vì trông bề ngoài, bé vẫn mập mạp, khỏe mạnh. Trong bài viết này đề cập về suy dinh dưỡng bụng to là một triệu chứng của suy dinh dưỡng thể phù khá phổ biến ở trẻ em hiện nay.
Biểu hiện của suy dinh dưỡng bụng to
Khi mắc chứng suy dinh dưỡng bụng to, bụng các bé sẽ trở nên tròn trịa nhưng chân tay khẳng khiu, trương lực cơ yếu, rối loạn sắc tố da, thiếu máu, gan to và thoái hóa mỡ, giảm đạm máu, phù.
Đầu tiên là những dấu hiệu phù mặt, mí mắt, chân tay… rồi dần tiến đến phù thũng toàn thân, tràn dịch màng bụng. Ngoài ra, tùy mức độ, thời gian xảy ra suy dinh dưỡng thể phù mà các bộ phận như xương, mắt, gan, ruột, tụy, tim, não, răng, tóc… đều có thể bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân gây bệnh
Có các nguyên nhân gây bệnh suy dinh dưỡng bụng to sau:
Do hoàn cảnh gia đình: Một số phụ huynh không có đủ điều kiện nuôi con bằng sữa mẹ hoặc sợ ngực bị chảy xệ khi cho bé bú nên chỉ sử dụng sữa công thức, nước cháo pha sữa, bột dinh dưỡng… hoặc để bé kiêng khem quá mức dẫn đến mắc bệnh.
Có thể là nguyên nhân bệnh lý: Do trẻ mắc những chứng bệnh bẩm sinh hoặc nhiễm khuẩn kết hợp với chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý. Khẩu phần ăn của bé thường không có đủ chất đạm nhưng vẫn nhận đủ năng lượng từ chất bột đường hay chất béo hoặc sử dụng những loại sữa không phù hợp với thể trạng của bé.
Phòng suy dinh dưỡng bụng to
Để phòng suy dinh dưỡng bụng to, trẻ cần được chăm sóc ngay từ trong bụng mẹ. Trong thời gian mang thai người mẹ nên ăn uống bồi dưỡng hơn bình thường đồng thời theo dõi cân nặng theo từng quý và khám thai định kỳ ít nhất 3 lần.
Khi bé chào đời, nuôi con bằng sữa mẹ là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa suy dinh dưỡng chung và suy dinh dưỡng bụng to nói riêng. Tốt hơn hết, trẻ cần được bú mẹ cho đến 2 tuổi.
Cho bé ăn dặm khi đã đủ tuổi 6 tháng tuổi, cũng không nên cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi dùng sữa bột nguyên kem vì loại sữa này dù chứa nhiều protein nhưng dễ gây tổn thương niêm mạc ruột. Cẩn thận theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ, nếu có biểu hiện của suy dinh dưỡng như trẻ biếng ăn, rối loạn tiêu hóa… cần đưa trẻ đi khám và thực hiện theo các quy trình điều trị của bác sĩ.
Nếu mẹ không có sữa hoặc ít sữa thì nên cho trẻ uống thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành, tuyệt đối không sử dụng nước cháo để nuôi trẻ. Theo dõi cân nặng cho trẻ bằng cách mỗi tháng cho trẻ cân một lần, chú ý những dấu hiệu trên cơ thể bé, đặc biệt là khi bụng của bé to một cách bất thường.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.