Bướu cổ ở người già cao gấp 2 lần so với người trẻ

Nguy cơ bướu cổ ở người già lại cao gấp 2 lần so với người trẻ. Vì vậy, tìm hiểu về bệnh và hỗ trợ người thân trong việc phòng và điều trị bướu cổ chính là món quà tuyệt vời để bạn thể hiện sự quan tâm của mình.

Bướu cổ chỉ là biểu hiện, nguyên nhân gây bướu cổ ở người già nằm ở chỗ khác

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ nằm trước vùng cổ, ngay dưới trái cổ. Đây là tuyến nội tiết quan trọng vì nó sản sinh ra các chất giúp điều hòa hoạt động tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Chức năng tuyến giáp có thể kể đến như tổng hợp các hormone để điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như da – lông – tóc – móng, tim mạch, tiêu hóa; đồng thời duy trì năng lượng để cơ thể hoạt động. 

Khi chức năng tuyến giáp gặp trục trặc sẽ gây ra các bệnh ảnh hưởng đến cơ quan này và các cơ quan xung quanh nó. Điển hình là bệnh bướu cổ. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bướu cổ ở người già chính là do thiếu i-ốt. Theo đó, khi tuyến giáp không nhận đủ i-ốt, nó sẽ giảm sản sinh hormone. Và để bù đắp cho lượng hormone bị giảm, tuyến giáp buộc phải tăng kích thước để hoạt động. Việc này làm nó ngày càng phình to và tạo thành bướu cổ.

Triệu chứng không lên tiếng càng tiềm ẩn nguy hiểm

Dù bướu cổ ở người già hay ở bất kỳ ai thì bướu cổ hầu như không có các triệu chứng đặc trưng hoặc nó quá nhỏ để người bệnh có thể cảm nhận được. Thường thì bướu cổ ở người già chỉ được phát hiện khi họ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi có thực hiện các xét nghiệm hình ảnh như siêu âm, chụp CT vùng cổ. Việc này gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp bướu lớn dần, bạn có thể nhận biết thông qua hiện tượng cổ bị cứng và bành ra. Dùng tay sờ cũng có thể nhận biết sự khác thường ở cổ. Hoặc có thể gặp các triệu chứng như:

  • Cổ họng bị đau và có cảm giác vướng ở cổ;
  • Khó nuốt;
  • Khó thở;
  • Cảm thấy hồi hộp, có những cơn đau vùng tim thoáng qua;
  • Đổ mồ hôi nhiều;
  • Giảm cân hay có các biểu hiện của thừa hormone;
  • Mệt hoặc căng thẳng, trí nhớ giảm sút;
  • Táo bón, da khô, cảm thấy lạnh…

Nếu có các triệu chứng nêu trên xảy ra, bạn nên đưa người thân đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai bị bướu cổ đều có triệu chứng nên tốt nhất bạn nên dắt người thân đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Với chuyên môn cao của bác sĩ cùng các kỹ thuật y tế hiện đại sẽ giúp người già tầm soát bướu cổ. Mặc dù hầu hết các trường hợp bướu cổ ở người già đều là lành tính nhưng vẫn không thể loại trừ trường hợp bướu cổ ác tính xuất hiện.

Thăm khám định kỳ giúp tầm soát bướu cổ ở người già tốt hơn.

Bên cạnh đó, dù bướu cổ ở người già lành tính thì bản thân nó vẫn gây ra không ít phiền toái cho sức khỏe của họ. Nếu bướu cổ lớn thì gây chèn ép lên khí quản và thực quản, dẫn đến khó thở và khó khăn khi nuốt thức ăn. Bướu cổ còn có thể do nguyên nhân suy giáp hay cường giáp gây ra, và chúng có thể gây nên các triệu chứng từ mệt mỏi kèm tăng cân đến giảm cân ngoài ý muốn, khó chịu và khó ngủ.

Những điều bạn nhất định phải làm nếu có người thân mắc bệnh bướu cổ

Vốn dĩ sức khỏe người lớn tuổi đã giảm sút, nếu thêm bệnh bướu cổ sẽ có tâm trạng bất an, cộng với những triệu chứng do bướu cổ gây ra lại khiến họ thêm phần mệt mỏi và chán nản. Vì vậy nếu bạn quan tâm đến sức khỏe của ông bà/cha mẹ thì bạn cần lưu ý những điều sau để cùng họ vượt qua căn bệnh này.

Nắm thông tin sức khỏe của người thân

Sau khi được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán bệnh bướu cổ, bạn cần nắm được thông tin về tình hình sức khỏe của người thân. Những điều bạn cần biết là:

  • Tình trạng bệnh diễn tiến thế nào, có nghiêm trọng không?
  • Bướu cổ ở người già được theo dõi hay cần điều trị ngay? Nếu cần điều trị thì phương pháp điều trị thế nào?
  • Nếu dùng thuốc thì phải dùng trong bao lâu?

Việc nắm rõ thông tin sẽ giúp bạn lên kế hoạch để chăm sóc người thân mình trong quá trình điều trị. Đồng thời ở bên họ để hỗ trợ tinh thần tốt hơn.

Chăm sóc thể chất lẫn tinh thần cho người già mắc bệnh bướu cổ

  • Chế độ ăn: Bạn nên chọn các thực phẩm giàu i-ốt để đưa vào thực đơn của người bệnh bướu cổ. Có thể kể đến các loại thực phẩm như hải sản, rong biển, rau xanh,… Ngoài ra, cũng nên ăn sữa chua, các loại đậu, các loại trái cây họ cam quýt vào chế độ ăn.
  • Không tự ý dùng thuốc hoặc đắp thuốc: Bạn cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong việc điều trị. Nếu bướu cổ ở người già không ảnh hưởng đến sức khỏe của họ, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi và không dùng thuốc gì thêm. Lúc này bạn cũng không nên tự ý cho người bệnh dùng thêm thuốc ngoài hoặc đắp thuốc lên vùng cổ bị bướu. Những việc này có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, hãy đưa người thân đến tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi tình trạng.
  • Tránh căng thẳng: Nhận được tin mắc bệnh, cộng thêm triệu chứng mà bệnh gây ra có thể khiến người già bị bướu cổ trở nên mệt mỏi và áp lực hơn. Điều này sẽ không tốt cho sức khỏe của họ. Bạn hãy cố gắng bên cạnh, động viên, tạo thú vui cho họ quên đi bệnh tật và dành nhiều thời gian để họ nghỉ ngơi. Những điều này sẽ giúp việc điều trị có kết quả tốt hơn.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *