Làm sao để hạ đường huyết thai kỳ cho mẹ bầu?

Tỷ lệ bà bầu bị tiểu đường không cao, thế nhưng căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vậy, mẹ bầu nên hạ đường huyết thai kỳ như thế nào?

Mặc dù tỷ lệ bà bầu bị tiểu đường không cao, thế nhưng căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vậy, mẹ bầu nên hạ đường huyết thai kỳ như thế nào để đảm bảo sức khỏe của người mẹ và đứa bé?

Theo một thống kê ở Mỹ, tỷ lệ bà bầu bị tiểu đường chiếm khoảng 3 – 5%. Ai cũng có thể là đối tượng bị căn bệnh này, tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn ở những thai phụ bị thừa cân, béo phì, gia đình có người bị tiểu đường. Hầu hết đây là căn bệnh gặp trong thai kỳ và sẽ hết sau khi sinh.

Theo các chuyên gia, dưới đây là mức đường huyết được cho là an toàn đối với bà bầu:

  • Đường huyết đo lúc đói: = < 95 mg glucose/100 ml máu
  • Đường huyết đo sau khi ăn 1 tiếng: = < 180mg glucose/100 ml máu
  • Đường huyết đo sau khi ăn 2 – 3 giờ: = < 140 mg glucose/100 ml máu.

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của thai kỳ, một trong số đó là vấn đề sức khỏe của bà mẹ mang thai. Do vậy, nếu bà bầu bị bệnh tiểu đường cần có biện pháp để hạ đường huyết cũng như kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Theo các chuyên gia, chú ý dinh dưỡng, tập luyện thể dục, duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh là những việc bà bầu nên làm để kiểm soát tổ căn bệnh này.

Chế độ ăn uống lành mạnh

Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ đem lại rất nhiều lợi ích sức khỏe đối với bà bầu cũng như sự tăng trưởng của thai nhi. Hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng carbohydrate đơn giản như cơm, bún, phở, đường ăn, mật ong, trái cây ngọt, sữa. Tuy nhiên, một số thực phẩm giàu carbohydrate phức tạp có trong ngũ cốc, một số loại trái cây, rau xanh giàu chất xơ rất tốt cho bà bầu bị tiểu đường. Để có thực đơn ăn uống khoa học, mẹ nên tham khảo hướng dẫn của bác sĩ.

Kiêng các thực phẩm nhiều đường

Tiểu đường với lượng đường trong máu cao, nếu bà bầu ăn các thực phẩm có nhiều đường như kẹo ngọt, nước ngọt có ga, bánh ngọt,… sẽ làm tăng cao đường huyết trong cơ thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm hơn.

Chia nhỏ bữa ăn hằng ngày

Thay vì ăn 3 bữa trong ngày, bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn thành 5 – 6 bữa sẽ giúp mẹ bầu hạn chế được tình trạng đường huyết tăng nhanh.

Uống nước đầy đủ

Theo các chuyên gia, uống đủ nước mỗi ngày cũng là cách giúp hạ đường huyết thai kỳ và ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường thai kỳ. Bà bầu nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Thường xuyên tập luyện thể dục

Tập luyện đúng cách sẽ có nhiều tác động tích cực đối với sức khỏe bà bầu và thai nhi. Hơn nữa tập luyện cũng giúp quá trình sinh nở của mẹ cũng được dễ dàng hơn. Ngoài ra, mỗi ngày dành khoảng 30 phút cho việc đi bộ hoặc bơi lội cũng đem lại hiệu quả rất tốt cho việc hạ đường huyết.

Theo dõi lượng đường trong máu

Việc kiểm tra chỉ số đường huyết là việc làm cần thiết đối với bà bầu, riêng trường hợp bị tiểu đường thì lại càng quan trọng hơn. Nhận biết lượng đường trong máu sẽ giúp bạn có thể điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý nhất.

Tiêm insulin

Trong trường hợp khó có thể kiểm soát được đường huyết bằng chế độ ăn uống và tập luyện, bà bầu sẽ được chỉ định tiêm insulin.

Nếu áp dụng tốt các biện pháp hạ đường huyết thai kỳ trên đây, bà bầu không cần quá lo lắng về tình trạng này vì có thể hết sau khi sinh con. Mẹ nhớ lưu ý tuân thủ những điều trên đây để phòng tránh biến chứng nguy hiểm nhé!

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *