Sốt mò là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, phổ biến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có biểu hiện đa dạng và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị thích hợp và kịp thời.
Những dấu hiệu triệu chứng bệnh sốt mò là gì? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết sau đây.
Dấu hiệu, biểu hiện cảnh báo bệnh sốt mò
Nốt loét điển hình của bệnh sốt mò
Thường xuất hiện ở vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn hoặc nách, cổ,… đôi khi ở vị trí trong vành tai rốn, mi mắt (vị trí này dễ nhầm với lẹo mắt).
Đặc điểm của nốt loét là không đau, không ngứa; người bệnh thường chỉ có một nốt hiếm có 2 – 3 nốt; hình tròn hay bầu dục, đường kính từ 1mm – 2cm;
Có vảy đen, cứng, phủ trên một nốt sẩn có gờ cứng, nếu vảy đã bong thì để lại vết loét lõm, màu đỏ tươi, sạch, không tiết dịch, không có mủ.
Hạch và ban dát sẩn
Hạch khu vực nốt loét thường hơi sưng và đau, không đỏ, vẫn di động, xuất hiện cùng với sốt hoặc sau 2 đến 3 ngày.
Ban dát sẩn mọc cuối tuần thứ nhất đầu tuần thứ hai, mọc khắp người, trừ lòng bàn tay bàn chân, tồn tại vài giờ đến 1 tuần, đôi khi có đốm xuất huyết.
Triệu chứng biểu hiện lâm sàng của sốt mò
Ngoài các dấu hiệu trên thì sau đó người bị sốt mò sẽ có những triệu chứng cụ thể sau thời gian ủ bệnh của sốt mò như sau (sốt mò ủ bệnh từ 6 ngày đến 21 ngày):
- Người bệnh thường sốt cao đột ngột; người bệnh sốt cao liên tục, có thể kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.
- Biểu hiện da và niêm mạc: Da xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân; xung huyết kết mạc mắt.
- Vết loét ngoài da: là dấu hiệu đặc hiệu của bệnh sốt mò; vết loét có hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, không tiết dịch; các vết loét thường không đau, khu trú ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ, bẹn, bụng,…
Ngoài những triệu chứng trên thì người bệnh có thể kèm thêm biểu hiện khác như sau:
- Ban ngoài da: ban thường xuất hiện vào cuối tuần thứ nhất của bệnh, có dạng dát sẩn, phân bổ chủ yếu ở thân, có thể ở cả chân tay; có thể gặp ban xuất huyết.
- Sưng hạch lympho: người bệnh thường có hạch sưng tại chỗ vết loét và hạch toàn thân; hạch có kích thước 1,5- 2cm, mềm, không đau, di dộng bình thường.
- Gan to, lách to: có thể gặp ở khoảng 40% số người bệnh sốt mò. Một số trường hợp có thể có vàng da.
- Tổn thương phổi: người bệnh thường có triệu chứng ho; nghe phổi có thể có rales; một số người bệnh có biểu hiện tràn dịch màng phổi; những trường hợp sốt mò nặng có thể có khó thở, suy hô hấp cấp dẫn tới tử vong.
- Tổn thương tim mạch: người bệnh sốt mò thường có tình trạng huyết áp hạ hoặc viêm cơ tim gặp ở một số trường hợp.
Triệu chứng của bệnh sốt mò có thể bị nhầm sang các bệnh khác
Trong trường hợp không có vết loét, chẩn đoán gặp nhiều khó khăn do những biểu hiện của bệnh rất đa dạng, và giống với nhiều bệnh sốt cấp tính khác như thương hàn, leptospirosis, nhiễm một số loại virus, và nhiễm các rickettsia khác.
Thương hàn: Cũng có các biểu hiện sốt, gan lách to, và tổn thương nhiều hệ cơ quan và phủ tạng. Khác với sốt mò, thương hàn thường khởi phát bán cấp và đi kèm với triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Hồng ban:Các thương tổn có thể ở nhiều độ tuổi khác nhau, hình bia bắn điển hình và hình bia bắn không điển hình xen kẽ nhau. Ngoài hình bia bắn, có thể có các thương tổn khác như sẩn đỏ, mụn nước, bọng nước. Có thể gặp hiện tượng Kobner, nghĩa là thương tổn mới xuất hiện ở vùng da bị chấn thương.
Leptospirosis: Có biểu hiện chính là sốt, đau cơ, có thể có phát ban, vàng da, tổn thương phổi, suy thận; xét nghiệm máu cũng có thể có hạ tiểu cầu, tăng men gan. Dấu hiệu gợi ý chẩn đoán leptospirosis là đau cơ và suy thận. Nếu có điều kiện, có thể làm xét nghiệm huyết thanh học để chẩn đoán leptospirosis (ví dụ như Martin – Petit).
Các bệnh nhiễm arbovirus:Thường có diễn biến cấp tính với các triệu chứng sốt, đau đầu, mỏi người, có thể có phát ban…, tương tự như sốt mò. Dấu hiệu xuất huyết đi kèm với hạ tiểu cầu và tăng hematocrit thường gặp hơn trong sốt xuất huyết dengue. Các bệnh nhiễm arbovirus thường không đi kèm với gan lách to, ít khi có biểu hiện đồng thời ở nhiều cơ quan và phủ tạng, và bệnh thường tự khỏi trong vòng 5 – 7 ngày.
Các bệnh nhiễm rickettsia khác: Các biểu hiện chính của các bệnh nhiễm rickettsia cũng tương tự như sốt mò, bao gồm sốt, đau đầu, mỏi người, phát ban, tổn thương một số cơ quan và phủ tạng. Vết loét đặc hiệu ngoài da không gặp trong bệnh sốt rickettsia do bọ chét truyền (murine typhus), có thể gặp trong sốt do rickettsia nhóm phát ban nhưng hiếm hơn trong sốt mò.
Các bệnh nhiễm trùng huyết: Có sốt, tổn thương nhiều cơ quan và phủ tạng như trong sốt mò. Nhiễm trùng huyết thường ít khi đi kèm với xung huyết và phát ban trên da, tràn dịch các màng. Phải kiểm tra kỹ ngoài da và phát hiện vết loét đặc hiệu để không bỏ sót bệnh sốt mò; làm xét nghiệm cấy máu để xác định vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết.
Sốt rét (sốt rét tiên phát): Người bệnh có sốt và rét run như trong sốt mò. Cần hỏi tiền sử đi vào vùng dịch tễ và làm lam máu tìm ký sinh trùng sốt rét để chẩn đoán xác định.
Khi có dấu hiệu cảnh báo trên kèm biểu hiện sốt mà nghi ngờ sốt mò, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời. Tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt mò xảy ra.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.