Trong giai đoạn mùa hè đang tới, nắng nóng kéo dài ngày, tình trạng sốc nhiệt cũng có xu hướng gia tăng.
Vậy ai là đối tượng dễ bị sốc nhiệt và dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng này như thế nào?
Sốc nhiệt nguy hiểm như thế nào?
Sốc nhiệt là tình trạng xảy ra khi cơ thể của bạn quá nóng, nguyên nhân do tiếp xúc kéo dài hoặc gắng sức ở nhiệt độ cao. Đây là biểu hiện cơ thể tổn thương do nhiệt nghiêm trọng nhất, sốc nhiệt có thể xảy ra nếu nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên đến 40oC (104 độ F) hoặc cao hơn.
Sốc nhiệt cần được điều trị cấp cứu. Sốc nhiệt không điều trị có thể nhanh chóng gây tổn thương não, tim, thận và cơ, làm tăng nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
Mặt khác, thể nhẹ hơn được gọi là kiệt sức là một tình trạng mà triệu chứng có thể bao gồm ra mồ hôi nhiều và mạch nhanh là do cơ thể quá nóng. Lả nhiệt là một trong ba hội chứng liên quan tới nhiệt, trong đó chuột rút do nhiệt là hội chứng nhẹ nhất và sốc nhiệt là hội chứng nặng nhất.
Đối tượng dễ bị sốc nhiệt?
Bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt, có một vài nguyên nhân sốc nhiệt kết hợp với các yếu tố làm tăng nguy cơ như:
Tuổi: khả năng đối phó với nhiệt độ khắc nghiệt phụ thuộc vào sức chịu đựng của hệ thần kinh trung ương. Ở trẻ em, hệ thần kinh trung ương phát triển chưa đầy đủ và ở người lớn trên 65 tuổi, hệ thần kinh trung ương bắt đầu bị thoái hóa khiến cho cơ thể không đủ khả năng đối phó với sự thay đổi nhiệt độ cơ thể.
Gắng sức trong thời tiết nóng: huấn luyện quân sự và tham gia các môn thể thao ngoài trời, ví dụ bóng đá, trong thời tiết nóng là một trong những tình huống có thể dẫn tới sốc nhiệt.
Đột ngột tiếp xúc với thời tiết nóng: Nếu tiếp xúc với việc tăng đột ngột nhiệt độ, ví dụ như trong một đợt nóng đầu hè hoặc đi du lịch tới vùng có khí hậu nóng hơn. Hạn chế hoạt động trong ít nhất một vài ngày để cơ thể tự thích nghi với những thay đổi.
Một số loại thuốc: một số loại thuốc ảnh hưởng tới khả năng giữ nước và đáp ứng với nhiệt của cơ thể và một số tình trạng sức khỏe như một số bệnh mạn tính, và một số tình trạng khác như béo phì, ít vận động và có tiền sử sốc nhiệt trước đây cũng có thể làm tăng nguy cơ sốc nhiệt.
Dấu hiệu, triệu chứng sốc nhiệt mà bạn cần biết
Các triệu chứng thông thường khác bao gồm buồn nôn, động kinh, nhầm lẫn, mất phương hướng, đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê.
Các triệu chứng của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể xấp xỉ 40 độ C. Ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên. Sốc nhiệt được chia thành 2 loại: Say nắng – say nóng và đột quỵ nhiệt.
Say nắng thường xuất hiện dần dần và ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ và người già – những đối tượng gặp khó khăn hơn trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể.
Đột quỵ nhiệt xảy ra đột ngột và thường gặp ở người hoạt động cường độ cao, nhất là trong những ngày đặc biệt nóng. Nhiệt độ cơ thể tăng lên đến 40 độ C.
Có 8 triệu chứng điển hình của sốc nhiệt bạn tuyệt đối không nên chủ quan như sau:
- Nhiệt độ cơ thể tăng cao: Theo CDC khi nhiệt độ cơ thể từ 39-40 độ trở lên thì cần lưu ý có thể bạn đang bị say nắng, sốc nhiệt và cần giảm thân nhiệt ngay.
- Cơ bắp bị “chuột rút”: Chuột rút do nhiệt khi tập thể dục là dấu hiệu sớm đầu tiên của sốc nhiệt. Bạn có thể bị đau co thắt, đặc biệt là ở chân, tay hoặc bụng khi đổ mồ hôi ở nhiệt độ cao.
- Không có mồ hôi hoặc đổ mồ hôi quá nhiều: Đổ mồ hôi đầm đìa hoặc ít mồ hôi cũng là dấu hiệu bộ máy làm mát của cơ thể gặp trục trặc khi phải làm việc dưới nhiệt độ quá cao.
- Lơ mơ, đi lại khó khăn: Nhiệt độ cao khiến cho hệ thần kinh trung ương bị ảnh hưởng, dẫn tới trạng thái mơ hồ, lơ đễnh, không tập trung.
- Nhức đầu: Triệu chứng này thường là do mất nước, hoặc do nhiệt tác động lên hệ thần kinh trung ương làm cho người bệnh đau nhức đầu.
- Chóng mặt, buồn nôn, nôn: Khi đổ mồ hôi, cơ thể bạn sẽ ngày càng mất nước. Nhiệt sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và có thể dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu, buồn nôn hoặc nôn.
- Da tấy đỏ: Máu sẽ đổ dồn về dưới da để làm mát cơ thể nên da sẽ đỏ ửng lên. Bạn cũng có thể thấy da khô hơn, khó chịu bất thường ở da khi bị say nóng.
- Tăng nhịp tim, khó thở: Tim phải bơm mạnh hơn và nhanh hơn để đảm bảo hệ thống làm mát tự nhiên của cơ thể hoạt động, dẫn đến khó thở hoặc thở nhanh.
Chủ động phòng chống sốc nhiệt ngày hè
Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết thì cố gắng tránh thời điểm từ 12 giờ trưa đến 16 giờ. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha oresol… Tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.