Tìm hiểu về huyết áp một cách rõ ràng giúp bạn phát hiện ra các dấu hiệu bị bệnh sớm nhất để có cách khắc phục kịp thời.
Hiện nay các bệnh về huyết áp phổ biến nhất là: huyết áp cao và huyết áp thấp. Nếu chỉ số huyết áp tăng quá cao có thể gây ra hiện tượng đột quỵ. Nếu chỉ số này xuống quá thấp sẽ khiến người bệnh choáng váng. Hầu hết bệnh nhân không nhận ra được huyết áp của mình bị bất thường. Chính vì vậy người ta nhận định về bệnh huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình bạn nên sớm tìm hiểu về huyết áp để có cách phòng tránh.
Huyết áp là gì?
Theo định nghĩa từ các bác sĩ chuyên khoa, huyết áp chính là áp lực của máu cần thiết tác động lên thành của động mạch giúp đưa máu đi nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Lực co bóp của tim kết hợp với lực cản trong động mạch tạo nên huyết áp.
Với người bình thường, chỉ số huyết áp ban ngày sẽ cao hơn ban đêm. Chỉ số này hạ xuống mức thấp nhất vào khoảng 1 – 3 giờ sáng – lúc mà bạn đã ngủ rất say. Huyết áp ở mức cao nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng. Ngoài ra, mỗi khi bạn vận động nhiều hay có cảm xúc mạnh thì huyết áp cũng tăng lên. Ngược lại, khi ở trạng thái thư giãn thoải mái huyết áp sẽ hạ xuống.
Chỉ số huyết áp là gì?
Chỉ số huyết áp được xác định bằng 2 chỉ số là huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương và chúng được thể hiện dưới dạng tỉ số. Huyết áp tâm thu là mức huyết áp cao nhất xảy ra khi tim co bóp. Huyết áp tâm trương là mức huyết áp thấp nhất xảy ra giữa 1 nhịp tim (co bóp và thả lỏng).
Với người trường thành có sức khỏe bình thường, huyết áp tâm thu sẽ nằm dưới mức 120 mmHg, huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg.
Huyết áp cao và huyết áp thấp là gì?
Tình trạng huyết áp cao và huyết áp thấp đều gây nguy hiểm tới sức khỏe người bệnh tương đương nhau.
Người bị coi là huyết áp cao khi mà chỉ số huyết áp tâm thu đo được lớn hơn mức 140 mmHg, còn chỉ số huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg. Ngoài ra còn có hiện tượng người bệnh bị tiền cao huyết áp. Lúc này chỉ số huyết áp tâm thu sẽ vào khoảng 120 – 139 mmHg, huyết áp tâm trương vào khoảng 80 – 89 mmHg.
Để kết luận một người có bị bệnh huyết áp thấp hay không người ta căn cứ vào chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg.
Để xác định chính xác một người bị huyết áp cao hay huyết áp thấp cần phải dựa vào số liệu đo được trong nhiều ngày liên tiếp. Do đó bạn cần đo huyết áp thường xuyên nhiều lần trong ngày và trong nhiều ngày. Lúc đo cần phải ở trạng thái nghỉ ngơi ít nhất sau 5 phút ở tư thế nằm hoặc 1 phút ở tư thế đứng.
Huyết áp cao và thấp nguy hiểm như thế nào ?
Huyết áp cao là bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Đây là nguyên nhân gây ra tử vong hay các di chứng nặng nề như: liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, đột quỵ, phình động mạch,…
Khi bị huyết áp thấp người bệnh dễ bị tổn thương các cơ quan như : não, tim, thận,… Ngoài ra, huyết áp thấp còn nguy hiểm tới tính mạng trong các trường hợp người bệnh đang lái xe hay làm việc trên cao.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.