Trẻ tự kỷ thường không thể hòa nhập được với môi trường xung quanh. Để trẻ có thể phát triển một cách bình thường, chúng ta cần phải biết cách giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng.
Tự kỷ là một chứng bệnh rối loạn phát triển, thường sẽ được phát hiện trong 3 năm đầu của trẻ. Trẻ mắc tự kỷ thường yếu kém về mặt ngôn ngữ, khả năng giao tiếp,… dẫn tới việc trẻ khó hòa nhập với môi trường xung quanh. Để trẻ có thể phát triển như bạn bè đồng trang lứa, phụ huynh và nhà trường cần tích cực quan tâm, giúp đỡ trẻ. Đặc biệt, cần theo dõi một cách sát sao các biểu hiện và nhu cầu tâm sinh lý của trẻ để đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời, khiến trẻ cảm thấy thoải mái và tự tin hơn.
1. Tìm hiểu sở thích của trẻ
Giống như những đứa trẻ khác, trẻ tự kỷ cũng có những sở thích riêng của mình. Phụ huynh và giáo viên nên tìm hiểu xem trẻ thích làm gì và đưa ra những biện pháp khuyến khích phù hợp. Đồng thời cũng nên chú ý tới các yếu tố kích động tâm lý trẻ (như sợ hãi, căng thẳng hay khó chịu) để nhanh chóng tháo gỡ vấn đề, tránh để trẻ bị rơi vào thế bí từ đó phát sinh những hành động và cảm xúc tiêu cực.
2. Gần gũi và khuyên bảo trẻ
Khả năng xử ký thông tin của trẻ tự kỷ chậm hơn rất nhiều so với bình thường, vì thế cha mẹ và giáo viên cần kiên nhẫn giải thích cho trẻ. Bạn có thể tặng cho trẻ những phần thưởng nhỏ mỗi khi trẻ hiểu và thực hiện đúng mong muốn của mình, điều này sẽ khích lệ tinh thần của bé.
Khi cho trẻ tự kỷ tham gia các hoạt động ngoại khóa, hay các trò chơi ngoài trời, cần phải giải thích cho trẻ một cách thật rõ ràng và chi tiết. Theo dõi các hoạt động của trẻ để tránh tình trạng trẻ tự kỷ bị các bạn khác cô lập hoặc có những hành động không kiềm chế gây ảnh hưởng cho bạn bè xung quanh. Việc cho trẻ tham gia các hoạt động và trò chơi ngoài trời cũng giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cộng đồng và tạo được mối quan hệ gần gũi hơn giữa trẻ và bạn bè cùng lứa tuổi.
Thường xuyên nói chuyện với trẻ, dùng cả ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ hành động, cố gắng thường xuyên gọi tên trẻ. Nếu trẻ muốn yêu cầu mình làm một việc gì đó nhưng không biểu thị bằng lời nói, thì cương quyết không làm, để trẻ bắt buộc phải sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt mong muốn, điều này sẽ giúp trẻ cải thiện được hạn chế trong kỹ năng giao tiếp với mọi người xung quanh.
3. Quan tâm, chăm sóc trẻ
Đối với các bậc phụ huynh, nên dành thời gian rảnh để nói chuyện và chơi cùng con mình, tránh để trẻ phải lủi thủi một mình. Giúp con bổ sung các kiến thức cần thiết bằng việc giải thích chậm và rõ ràng để trẻ dễ tiếp thu. Ở trường lớp, giáo viên nên thường xuyên gọi trẻ lên bảng làm bài, khi trẻ làm đúng thì khen thưởng và khích lệ, nhưng nếu trẻ làm sai thì không nên mắng mỏ mà vẫn động viên trẻ và nhờ bạn bè của trẻ giúp đỡ. Đặc biệt không được để trẻ có cảm giác bị cô lập hay bị các bạn phân biệt kỳ thị.
4. Khích lệ trẻ thực hiện những hành vi tốt
Khi trẻ học được một kỹ năng mới, hay đơn giản là hiểu và thực hiện đúng yêu cầu của cha mẹ và thầy cô giáo thì nên khen thưởng và khích lệ trẻ. Cố gắng nói rõ cho trẻ hành vi nào của trẻ đáng được khích lệ, để trẻ có thể nhớ và lặp lại những điều mình đã làm được.
5. Kết hợp và trao đổi thông tin giữa cha mẹ và giáo viên
Các bậc phụ huynh nên tới gặp các bác sỹ về tự kỷ để có biết thêm thông tin về các cách dạy trẻ tự kỷ tại nhà. Thường xuyên trao đổi thông tin với giáo viên của trẻ về tình hình học tập của trẻ tại trường, trẻ đã làm được những gì và chưa làm được những gì, những gì ở trẻ cần được cải thiện để tìm ra phương án khắc phục và hướng dẫn trẻ.
Trẻ tự kỷ hoàn toàn có thể hòa nhập được với cộng đồng nếu như được phát hiện sớm và được điều trị kịp thời. Mặc dù quá trình này có thể kéo dài rất lâu, tuy nhiên nếu trẻ nhận được sự giúp đỡ từ người thân, giáo viên và bạn bè xung quanh sẽ giúp cải thiện được rất nhiều hạn chế của mình và sớm có thể hòa nhập và thích nghi với môi trường xung quanh.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.