Việc phân biệt đâu là sốt phát ban thông thường hay thủy đậu sẽ giúp chúng ta có biện pháp xử lý kịp thời và làm giảm đáng kể những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Bài viết này cung cấp những kiến thức giúp bạn nhận biết bệnh thủy đậu và sốt phát ban thông thường một cách dễ dàng.
1. Dấu hiệu của bệnh sốt phát ban và thủy đậu
Theo các bác sĩ thì nguyên nhân gây sốt phát ban hầu hết do nhiễm virus thông thường, trong đó nhóm virus đường hô hấp luôn chiếm phần lớn và hầu hết là những virus lành tính. Sốt phát ban thông thường làm xuất hiện trên da những nốt ban đỏ nhưng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, phát ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và sau khi khỏi bệnh thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.
Đối với bệnh thủy đậu thì sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh từ 10-14 ngày, cơ thể chúng ta mới có những biểu hiện lạ. Bệnh khởi phát đột ngột với những dấu hiệu bệnh thủy đậu như: nổi mụn nước ở mặt, các chi, sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân chỉ trong vòng từ 12 – 24 giờ. Các nốt mụn nước chứa dịch trong, thường có đường kính từ 1 – 3mm. Trường hợp bệnh nặng, mụn nước sẽ to hơn, đường kính có thể lên tới 10 mm hoặc khi bị nhiễm trùng, mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ.
Khi mắc thủy đậu, trẻ nhỏ cũng thường bị sốt nhẹ, chán ăn; ở người lớn thì thường kèm theo các triệu chứng như sốt cao, đau đầu, đau cơ, nôn ói. Sau từ 7-10 ngày, nếu không có các biến chứng của bệnh thủy đậu xảy ra, các nốt rạ dần khô, bong vảy, thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo, tuy nhiên nếu bị nhiễm thêm vi khuẩn thì mụn nước có thể để lại sẹo trên da, rất mất thẩm mỹ.
2. Phương pháp xử lý cho từng trường hợp
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm và cần được phòng tránh từ ban đầu bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Trong trường hợp đã mắc bệnh thì cần có các biện pháp cụ thể, theo dõi sát sao để tránh gây hậu quả đáng tiếc. Cụ thể như sau:
Thủy đậu có khả năng để lại sẹo xấu xí trên da nên việc chăm sóc da cho người bệnh thủy đậu là hết sức quan trọng. Biến chứng nhiều nhất của bệnh thủy đậu chính là nhiễm trùng nốt rạ, mức độ nặng có thể làm nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng sâu sẽ để lại sẹo. Chính vì vậy, trong quá trình bị bệnh, bệnh nhân cần kiêng gãi, cố gắng tránh trường hợp các nốt mụn vỡ ra, gây bội nhiễm.
Ngoài ra, nhằm giúp bệnh mau chóng lành, bệnh nhân cần uống thuốc và bôi thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ một cách thường xuyên và chuẩn chỉ. Đồng thời, tiêu thụ các loại rau xanh và trái cây giàu vitamin C nhằm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể
Sốt phan ban thông thường có diễn biến lành tính và chỉ sau 3 ngày thì các nốt phát ban sẽ dần biến mất. Vì vậy, mẹ chỉ cần hạ sốt, cung cấp nước, trái cây, rau xanh… cho con thì bệnh sẽ mau khỏi và không để lại biến chứng nào nguy hiểm cả.
Nhiều bệnh dịch có các biểu hiện tương tự nhau rất dễ gây nhầm lẫn. Chính vì vậy, các mẹ cần trang bị cho bản thân những kiến thức nhất định về các loại bệnh nhằm xử trí tốt khi gặp.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.