Viêm não Nhật Bản có lây không và lây truyền thế nào?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, thường bùng phát vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 7. Viêm não Nhật Bản có lây không là điều mọi người cần biết nhằm đề phòng nhiễm bệnh.

1. Viêm não Nhật Bản có lây không?

Viêm não Nhật Bản không lây trực tiếp từ người sang người. Bởi vậy, mọi hoạt động như ăn uống, dùng chung đồ, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh. Bệnh chỉ lây truyền theo đường máu, do côn trùng (muỗi Culex) đốt, hút máu từ động vật nhiễm vi rút rồi đốt và truyền virus viêm não Nhật Bản cho người.

2. Vòng truyền bệnh sang người của vi rút viêm não Nhật Bản

Muỗi là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Các nhà khoa học xác định vi rút viêm não Nhật Bản xuất hiện trong nội tạng của các chim hoang dã như cò, diệc, cò quăm, liếu điếu… và động vật nuôi như lợn, cừu. Mặc dù mang mầm bệnh trong máu kéo dài nhưng các loài động vật này chỉ là nguồn chứa vi rút chứ không có triệu chứng của viêm não Nhật Bản.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định muỗi Culex tritaeniorhynchus là trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu tại Việt Nam. Cụ thể hơn, vi rút viêm não Nhật Bản sẽ phát triển rất nhanh trong cơ thể muỗi, thậm chí có thể truyền đến các thế hệ sau qua trứng. Loài muỗi này hút máu từ các động vật nhiễm vi rút rồi sẽ truyền bệnh cho người khi đốt.

Hiện đã có vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản, song vẫn có người mắc bệnh sau khi tiêm vắc xin. Bởi vậy, ngay khi nhận thấy những biểu hiện viêm não Nhật Bản đầu tiên như sốt, đau đầu, buồn nôn hoặc rối loạn ý thức thì không nên tự ý mua thuốc về uống mà phải đến bệnh viện để điều trị gấp. Bởi chỉ sau một thời gian ngắn, vi rút viêm não Nhật Bản sẽ tấn công hệ thần kinh và gây ra những di chứng hết sức nghiêm trọng.

3. Cẩn trọng với viêm não Nhật Bản ở người lớn

Viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Tuy vậy, người lớn vẫn có nguy cơ mắc phải bệnh này, mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh thấp. Vì ít nên khiến nhiều người chủ quan cho rằng đã qua 15 tuổi là không bị mắc bệnh nữa. Tuy nhiên, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút đều có thể mắc bệnh. Hiện nay đã có ghi nhận vài trường hợp người lớn bị viêm não Nhật Bản với các dấu hiệu như sốt cao liên tục, đờ đẫn, người yếu và liệt chân tay có kèm theo co giật. Tiên lượng tương đối nghiêm trọng, dù điều trị khỏi cũng có thể để lại di chứng, ảnh hưởng hệ thần kinh như: thay đổi tâm thần, hành vi, liệt chi…

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản. Hiện chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, tuy nhiên vẫn khuyến cáo thêm khi trẻ đã tiêm được 3 mũi đầy đủ thì vẫn nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm cho đến khi 15 tuổi. Riêng đối với người lớn, nếu chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm rồi nhưng không nhớ, tốt nhất hãy đi tiêm mới hoặc tiêm lại để phòng bệnh.

Kể cả người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *