Tiêm phòng uốn ván rốn là một trong số những mũi tiêm phòng quan trọng mà mẹ bầu nên lưu ý trong quá trình mang thai của mình. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng hiểu rõ về loại vắc-xin tiêm phòng này.
Vậy uốn ván rốn là bệnh gì?
Uốn ván rốn sơ sinh (dân gian gọi là sài uốn ván) là một bệnh nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao. Nguyên nhân của bệnh do các trực khuẩn uốn ván gây ra. Trong quá trình đỡ đẻ, vẫn có thể xảy ra các trường hợp các dụng cụ hoặc tay người hộ sinh không được vệ sinh diệt khuẩn sạch. Vì thế, những con vi khuẩn sẽ hành động và xâm nhập cơ thể của trẻ qua vết cắt rốn.
Các triệu chứng điển hình ở uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh thường gặp là những cơn co cứng kèm theo đau, đầu tiên là cơ mặt, cơ nhai, cơ gáy và sau đó là toàn thân. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 3 – 21 ngày tính từ lúc nha bào uốn ván xâm nhập đến lúc bệnh xuất hiện. Quá trình điều trị bệnh rất tốn kém nhưng tỷ lệ chữa khỏi không cao, đặc biệt với uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh (UVSS), tỷ lệ tử vong lên đến trên 95%.
Để phòng tránh các nguy hiểm khó lường từ bệnh uốn ván rốn ở trẻ, các bà mẹ nên chủ động đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng theo chỉ định của bác sĩ nhé. Hiện nay, việc tiêm phòng uốn ván rốn cho bà bầu ngày càng mở rộng nên tỷ lệ bệnh uốn ván rốn giảm đi rõ rệt.
Tiêm phòng uốn ván rốn cho bà bầu khi nào?
Tiêm phòng uốn ván rốn mục đích là tạo kháng thể cho cơ thể mẹ và cho bé yêu trước khi cắt dây rốn. Vì người mẹ đã truyền cho thai nhi lượng miễn dịch chống uốn ván rốn cho đến tháng đầu sau đẻ. Các mẹ bầu cần lưu ý khi tiêm phòng uốn ván rốn cần phải có chỉ định của bác sĩ sản khoa. Đối với sản phụ lần đầu mang thai, trước đó chưa tiêm phòng uốn ván cần được tiêm phòng 2 mũi vắc xin. Mũi đầu tiên ngay khi biết tin có thai, mũi thứ 2 trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
Tiêm phòng uốn ván rốn cho mẹ bầu càng sớm càng tốt nhưng các mẹ cần lưu ý tránh 3 tháng đầu thai kỳ. Vì thời điểm đó, phụ nữ gặp nhiều triệu chứng như ốm nghén, cơ thể mệt mỏi, thai kỳ chưa ổn định và có thể sảy thai vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Thời điểm tốt nhất để mẹ bầu tiêm phòng là khoảng tuần 22 của thai kỳ, các mẹ nên đến cơ sở hay bệnh viện có uy tín để được tiêm phòng an toàn và đầy đủ nhé.
Tiêm phòng uốn ván rốn mục đích là tạo kháng thể cho cơ thể mẹ và cho bé yêu trước khi cắt dây rốn.
Trường hợp mẹ bầu đã tiêm phòng 5 mũi uốn ván từ trước, và mũi cuối cùng cách thời gian mang thai không quá 10 năm thì không cần tiêm phòng lại. Khi đó cơ thể mẹ đã có thể miễn dịch 95% với trực khuẩn uốn ván. Tuy nhiên, nếu thời gian tiêm quá 10 năm, mẹ bầu nên tiêm phòng uốn ván rốn 2 mũi như lần đầu.
Những lưu ý khi tiêm phòng uốn ván cho mẹ bầu
- Tiêm phòng uốn ván rốn có thể gây dị ứng hoặc dễ gây sưng đau tại chỗ tiêm nhưng các mẹ không nên lo lắng bởi dị ứng nghiêm trọng sau tiêm gần như không có. Để xử lý những triệu chứng trên thì thông thường sau tiêm, các mẹ bầu có thể chườm mát vào cánh tay – vị trí mà bác sĩ tiêm.
- 3 tháng đầu thai kỳ tuyệt đối không nên đi tiêm phòng uốn ván rốn và 3 tháng giữa thai kỳ là khoảng thời gian phù hợp nhất tiêm phòng uốn ván cho mẹ.
- Khi đi tiêm phòng, các mẹ nên nhớ mang theo sổ khám thai để bác sĩ tiện theo dõi và tiêm phòng uốn ván theo tuần tuổi thai và số lần mang thai.
- Các mẹ bầu cần lưu ý trong thời kỳ mang thai chỉ có thể được tiêm phòng uốn ván rốn theo quy định của Bộ y tế, không được tiêm các mũi khác.
Tiêm phòng uốn ván rốn cho bà bầu ở đâu?
Việc tiêm phòng uốn ván rốn có thể thực hiện ở các địa điểm sau:
- Trung tâm y tế Dự phòng quận/ huyện
- Phòng tiêm chủng quốc tế
- Hệ thống các bệnh viện
- Các trạm y tế phường/ xã
Chi phí tiêm phòng uốn ván rốn cho bà bầu thường có giá trung bình dao động từ 30.000 – 100.000/mũi
Theo quy định, vắc xin phòng uốn ván phải được bảo quản lạnh (từ 2 – 8 độ C). Nếu không được bảo quản đúng nhiệt độ, vắc xin sẽ giảm hiệu quả, thậm chí mất tác dụng. Vì vậy, để đảm bảo việc tiêm phòng an toàn, các mẹ bầu nên lựa chọn những cơ sở tiêm phòng uốn ván rốn có thể giúp quản lý mũi tiêm cho mẹ và bé trước và sau sinh, cũng như có dây chuyền bảo quản vắc xin tốt.
Hi vọng với bài viết này, bạn đọc đã có thêm kiến thức cho mình từ đó yên tâm hơn về việc tiêm phòng uốn ván rốn để bảo vệ bé yêu của mình.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.