Sai lầm khi dùng các thuốc hạ huyết áp gây hậu quả khôn lường

Bệnh huyết áp cao bắt buộc phải điều trị bằng thuốc. Thế nhưng, việc dùng các thuốc hạ huyết áp không đúng cách lại gây hậu quả nghiêm trọng.

1. Tự ý tăng liều thuốc

Bệnh huyết áp cao thường gây ra tình trạng đau đầu, chóng mặt đột ngột. Nhiều khi cơn đau kéo dài, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt nên có những trường hợp người bệnh đã tự tăng liều thuốc với mong muốn các triệu chứng của bệnh nhanh dứt.

Tuy nhiên, việc tự ý tăng liều thuốc như vậy thực sự là một sai lầm tai hại gây nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng quá liều sẽ có thể gây ra tình trạng huyết áp tụt quá thấp, gây trụy mạch, thậm chí tử vong.

2. Tự ý ngừng thuốc, không theo đuổi liệu trình

Nhiều người mắc bệnh tăng huyết áp sau khi dùng thuốc điều trị, huyết áp đã nhanh chóng trở về mức bình thường, vì thế cho rằng mình đã khỏi bệnh và tự ý ngưng thuốc. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc khác, thuốc điều trị huyết áp cao cần được sử dụng đúng liều lượng và thời gian theo chỉ dẫn của bác sĩ.

3. Dùng thuốc không đúng giờ

Cần nhớ rằng việc uống các thuốc hạ huyết áp phải đúng giờ và đều đặn tùy thuộc theo thời gian của từng loại thuốc chứ không được tùy tiện uống bừa bãi. Người bệnh cần uống thuốc theo toa thuốc, theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra còn cần chú ý về thời gian giữa các lần uống thuốc.

4. Dùng chung đơn thuốc với người khác

Phải uống thuốc đúng cách theo chỉ định của bác sĩ.

Có rất nhiều loại thuốc cao huyết áp trên thị trường, mỗi loại thuốc lại có chỉ định khác nhau cho từng đối tượng khác nhau. Bệnh cao huyết áp cũng không phải ai cũng có triệu chứng và tình trạng bệnh giống nhau. Vì thế, không thể dùng chung đơn thuốc với bất cứ ai. Trước khi dùng thuốc hạ huyết áp, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

5. Không khám định kỳ, chỉ dùng mãi một đơn thuốc

Tất cả các bệnh lý đều có các giai đoạn phát triển khác nhau, bệnh cao huyết áp cũng vậy. Vì thế, trong suốt quá trình điều trị, cần phải đi khám định kỳ để kiểm tra tình trạng bệnh cũng như điều chỉnh đơn thuốc sao cho phù hợp với tiến trình của bệnh.

6. Không phối hợp đúng với chế độ ăn, luyện tập

Phần lớn người huyết áp cao chủ quan cho rằng chỉ cần uống các thuốc hạ huyết áp là đủ, nên không kiêng khem, luyện tập thể dục khiến cho huyết áp cao tiến triển nặng hơn, khó kiểm soát.

Người bệnh cần hạn chế lượng muối nạp vào cơ thể, mỗi ngày không nên ăn quá 6g, hạn chế ăn những món ăn dầu mỡ,…

Cùng với đó, người bệnh huyết áp cao nên dành ra 30 – 45 phút mỗi ngày để luyện tập các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội,…Việc chăm chỉ rèn luyện sẽ giúp đem lại một sức khỏe tốt và dẻo dai.

7. Khi mắc bệnh khác, chưa chú ý đúng mức đến điều trị tăng huyết áp

Bệnh tăng huyết áp không có triệu chứng rõ rệt, chỉ khi huyết áp tăng thì người bệnh mới có một số triệu chứng như chóng mặt, đau đầu,…Chính vì vậy, khi mắc đồng thời các bệnh khác có triệu chứng rõ như tiểu đường, dạ dày,..người bệnh thường không phát hiện ra hay không quan tâm về việc huyết áp tăng.

Do đó, cần phải chú ý đến tất cả các dấu hiệu xấu của sức khỏe để đảm bảo có một sức khỏe dẻo dai.

8. Người cao tuổi chưa quan tâm đúng mức việc kiểm soát huyết áp

Người cao tuổi càng nên thận trọng và chú ý điều trị các bệnh về huyết áp.

Người cao tuổi thường có quan niệm sự tăng lên của tuổi tác sẽ là nguyên nhân gây xơ cứng động mạch, việc lưu thông máu trở nên khó khăn và bị cao huyết áp là lẽ đương nhiên. Tuy vậy, theo nghiên cứu của các bác sĩ, điều trị tăng huyết áp cho người cao tuổi giúp làm giảm các nguy cơ tử vong do tim mạch và giúp tăng tuổi thọ, đem lại một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Vì vậy, càng cần phải lưu ý khi chữa bệnh cao huyết áp ở người già.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *