Làm gì nếu bị khó thở khi mang thai?

Khó thở khi mang thai là một trong những triệu chứng thường gặp khiến thai phụ lo lắng bởi chứng khó thở này có thể theo mẹ bầu trong suốt 9 tháng thai kỳ.

Cơ thể người phụ nữ từ những ngày đầu mang thai đã tiết ra nhiều hormone có chức năng quan trọng, hình thành và nuôi dưỡng thai nhi. Các thay đổi về cơ thể, thể chất, tinh thần do vậy cũng xuất hiện nhiều hơn. Các triệu chứng không mấy dễ chịu cũng khó lòng tránh khỏi, khiến các bà mẹ mang thai phải kiên nhẫn, bình tĩnh trước các khó chịu, mệt mỏi, đặc biệt là chứng khó thở khi mang thai không ít lần khiến các thai phụ lo lắng, hoảng sợ.

Những nguyên nhân gây khó thở khi mang thai

Khó thở khi mang thai do tác động của hormone

Từ những ngày đầu mang thai đã thường xuyên gặp phải tình trạng khó thở, đó là do hormone progesterone trong cơ thể phụ nữ tăng mạnh. Hormone này tác động tốt cho sự hình thành và phát triển của thai nhi, tuy nhiên lại khiến người mẹ gặp khó khăn để có được hơi thở sâu đưa khí vào phổi.

Khó thở khi mang thai là do tử cung lớn dần

Nguyên nhân này chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho mẹ bầu khó thở trong suốt thai kỳ, chỉ thuyên giảm khi gần đến ngày sinh. Khi em bé lớn dần thì tử cung cũng lớn lên theo, vì vậy mà gây ra sự chèn ép với cơ hoành của người mẹ. Cơ hoành có vai trò kết hợp đưa không khí vào phổi, khi bị chèn ép sẽ gây ra tình trạng khó mở rộng cơ hoành, không khí vào phổi ít hơn gây ra khó thở.

Nhiều mẹ bầu thậm chí còn ngất xỉu khi em bé khỏe và đạp mạnh, tử cung ép chặt cơ hoành, phổi thiếu không khí. Sở dĩ gần đến ngày sinh mẹ bầu sẽ đỡ khó thở là vì khi đó em bé đã chuyển xuống khung xương chậu để chuẩn bị chào đời.

Khó thở khi mang thai do thiếu máu

Triệu chứng khó thở khi thai phụ thiếu máu thường khá nặng, cảm giác lúc nào cũng như đang phải leo cầu thang hoặc đi bộ thật nhanh không thể nghỉ để lấy hơi. Tình trạng này có thể do phụ nữ mang thai không được bổ sung đầy đủ chất sắt, nếu không điều trị kịp thời, triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt lại càng trầm trọng hơn.

Nên làm gì nếu bạn bị khó thở khi mang thai

Không có cách nào để có thể trị tận gốc khó thở khi mang thai, và triệu chứng này cũng không gây hại nhiều đến mẹ và bé. Các mẹ hãy tận dụng các mẹo nhỏ dưới đây để “sống chung với lũ” thật nhẹ nhàng qua 9 tháng mang thai:

  • Giữ tinh thần thoải mái, tránh hấp tấp, vội vàng mà gây căng thẳng dẫn đến khó thở.
  • Thay đổi thói quen khi ngồi: bằng cách ngồi thẳng và đẩy vai về phía trước. Tư thế này sẽ giúp mở rộng phổi, giảm áp lực cho cơ hoành mà khí vẫn vào phổi nhiều hơn.
  • Cả khi đứng bạn cũng cần giữ vùng lưng thẳng, đừng cong người lại sẽ gặp khó khăn khi thở.
  • Tránh gắng sức: hãy nhờ sự trợ giúp của người thân khi cần mang vác đồ nặng cũng như chú ý các hoạt động cần dùng sức nhiều trong sinh hoạt thường nhật để giữ hơi thở nhẹ nhàng.
  • Dinh dưỡng cho thai phụ cần được cân đối đầy đủ các chất sắt, vitamin, axit folic, canxi,… Ngoài ra cần hạn chế ăn nhiều dầu mỡ và dùng các chất kích thích.
  • Tập luyện nhẹ nhàng cũng sẽ làm thuyên giảm tình trạng khó thở như tập luyện yoga cho phụ nữ mang thai, các bài tập thể dục nhẹ nhàng cho tay chân,…
  • Chọn trang phục thoải mái cả khi ở nhà lẫn đi làm, tránh những chiếc áo ôm ngực, khiến việc hô hấp bị cản trở.
  • Tư thế ngủ khi mang thai cũng rất quan trọng nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ, bạn sẽ gặp tình trạng khó thở hơn khi nằm. Do đó một chiếc ghế dựa thoải mái sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho mẹ bầu nghỉ ngơi thư giãn.
  • Tương tự, khi ngủ bạn cũng cần nâng cao đầu để hô hấp được thông thoáng hơn bằng cách kê 2 chiếc gối. Bên cạnh đó kê cao chân cũng giúp máu lưu thông tốt.

Kê cao đầu lúc ngủ để tránh khó thở khi mang thai.

Khó thở khi mang thai có cần đi khám bác sĩ không?

Nếu tình trạng khó trầm trọng và kèm theo nhiều triệu chứng khác, mẹ bầu nên đi khám để kịp thời theo dõi và điều trị trong trường hợp mắc phải các căn bệnh khác:

  • Mẹ có thể mắc phải chứng huyết áp thấp nếu gặp phải triệu chứng khó thở đi kèm với hoa mắt, chóng mặt, cần được điều trị sớm.
  • Với các chị em đã có tiền sử hen suyễn, khi gặp phải khó thở cũng nên hết sức thận trọng. Khi thấy khó thở kéo dài, đau ngực và nhịp thở nhanh cần đưa mẹ bầu đến bệnh viện ngay để kịp thời điều trị.
  • Trong cơn khó thở, nếu da chân chuyển sang màu đỏ và sưng to sẽ rất nguy hiểm, phải đưa mẹ bầu đi cấp cứu ngay lập tức.
  • Ngoài ra khi khó thở kèm theo ho lâu ngày, sốt, ớn lạnh, hay tim đập nhanh, choáng váng, yếu ớt, xanh xao,… cũng cần được thăm khám và tìm ra giải pháp duy trì tốt sức khỏe cho thai kỳ.

Để đến được thời khắc hạnh phúc được nhìn thấy con yêu ra đời khỏe mạnh, mẹ bầu nào cũng phải trải qua 9 tháng mang nặng đẻ đau với bao triệu chứng mệt mỏi trong đó có triệu chứng khó thở.

Đây là tình trạng bình thường của mẹ mang thai, chỉ cần chị em kiên nhẫn vượt qua, áp dụng các phương thức tránh khó thở tại nhà để những ngày mang thai bớt nặng nề. Tuy nhiên cần theo dõi để phát hiện kịp thời tình trạng nguy cấp, bởi có thể khó thở là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm khác.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *