Cảnh giác với nguy cơ hạ đường huyết sau khi ăn

Hạ đường huyết là bệnh thường gặp ở phụ nữ, phần lớn mọi người thường cho rằng mình mắc bệnh do thiếu máu, mà ít người biết rằng chứng hạ đường huyết còn có nguyên nhân do bệnh lý. Nhất là nhiều người vẫn tưởng chỉ hạ đường huyết khi đói, mà không biết rằng vẫn có nguy cơ hạ đường huyết sau khi ăn.

Hạ đường huyết làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

Triệu chứng của hạ đường huyết thường xuất hiện là vã mồ hôi, hạ huyết áp, tim đập nhanh, nếu nặng có thể dẫn tới hôn mê… Khi gặp chứng hạ đường huyết, chúng ta sẽ thường có cảm giác cơ thể đói lả, mệt mỏi rã rời. Các xét nghiệm lâm sàng cho thấy người mắc chứng hạ đường huyết là khi lượng đường trong huyết tương máu < 0.5g/l hoặc 2.8 mmol/l.

Hiện nay vẫn còn ít người biết rằng hạ đường huyết còn có nguyên nhân bệnh lý riêng. Trong đó thì có chứng hạ đường huyết sau khi ăn là ít được nhiều người biết đến bởi nhiều người vẫn nghĩ rằng chỉ có nguy cơ bị hạ đường huyết khi đói mà thôi.

Chứng hạ đường huyết sau khi ăn

Hạ đường huyết sau khi ăn hay còn được gọi là chứng hạ đường huyết do đường tiêu hóa, xuất hiện điển hình ở những người sau khi phẫu thuật dạ dày (đôi khi người bình thường cũng có nguy cơ bị). Thông thường người mắc sẽ hạ đường huyết sau khi ăn khoảng 1 – 2 giờ.

Nguy cơ hạ đường huyết sau khi ăn thường diễn ra sau bữa ăn từ 1 – 2 tiếng.

Nguyên nhân là do cơ thể sản xuất quá nhiều insulin dẫn đến sự tiêu hóa quá nhanh, thức ăn hấp thụ vào ruột một cách nhanh chóng. Ngoài ra, những bệnh nhân sau khi phẫu thuật loét dạ dày tá tràng, béo phì hoặc bị các vấn đề về dạ dày khác cần lưu ý thận trọng với phản ứng hạ đường huyết sau khi ăn này. Bởi nó tuy không phổ biến nhưng cũng dẫn đến các triệu chứng không mong muốn, cũng như là ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc.

Một số nguyên nhân dẫn đến hạ đường huyết phổ biến khác

Hạ đường huyết do thuốc: Một số thuốc để điều trị hoặc phối hợp điều trị bệnh tiểu đường có thể gây ra bệnh hạ đường huyết.

Do tiêm insulin: Những người đang điều trị tiểu đường thì chứng hạ đường huyết thường xuất hiện 1 – 2 giờ sau khi tiêm insulin. Đây là một trong những tai biến của bệnh nhân mắc tiểu đường, khi cơ thể không kiểm soát tốt được lượng đường huyết trong máu, dẫn đến cơ thể sử dụng insulin quá mức làm đường huyết hạ đột ngột.

Hạ đường huyết giả có thể do dùng insulin hoặc sulfonylurea không phù hợp: Đây là một trong các chứng hạ đường huyết do vấn đề tâm thần, các trường hợp tự tử hoặc do nhân viên y tế.

Do bệnh tật và các vấn đề sức khỏe khác: Khi người bệnh mắc một số bệnh khác gây rối loạn, ảnh hưởng đến chuyển hóa đường trong cơ thể cũng có thể dẫn đến hạ đường huyết. Có thể đó là rối loạn tuyến tụy và hệ thống nội tiết, bệnh về gan, tuyến thượng thận, thận…

Do uống rượu: Một số người khi uống rượu sẽ gây nguy cơ sụt giảm nồng độ đường trong máu, dẫn đến hạ đường huyết. Thậm chí các chuyên gia y tế đã xác nhận rằng hạ đường huyết có liên quan tới chứng nghiện rượu và say rượu. Đặc biệt người bình thường không ăn trong 6 tiếng mà uống rượu sẽ khiến chứng hạ đường huyết nghiêm trọng hơn, bởi cơ thể không có năng lượng thì khả năng chuyển hóa đường ở gan cũng giảm sút đi.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *