Bạn có chắc mình đã hiểu rõ zona thần kinh là bệnh gì chưa?

Không nắm rõ zona thần kinh là bệnh gì có thể dẫn đến chẩn đoán sai bệnh và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

1. Zona thần kinh là bệnh gì và bắt nguồn từ đâu

Zona thần kinh là một loại bệnh nhiễm trùng do vi rút Varicella-zoster gây nên, đây cũng chính là vi rút gây nên bệnh thủy đậu. Ngay cả sau khi bạn đã hết thủy đậu, vi rút vẫn có thể sống trong hệ thần kinh trong nhiều năm trước khi tái kích hoạt gây ra bệnh zona. Bệnh này không đe dọa tính mạng tuy nhiên có thể gây đau đớn cho người bệnh. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể giúp rút ngắn thời gian điều trị và giảm nguy cơ biến chứng hiệu quả.

2. Ai dễ mắc bệnh zona thần kinh?

Người già hoặc người có sức đề kháng kém là đối tượng dễ bị bệnh zona thần kinh

Đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh zona thần kinh, kể cả những người khỏe mạnh nhưng thường gặp hơn ở người cao tuổi, càng nhiều tuổi nguy cơ mắc bệnh càng cao. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh về máu (lympho mạn, hodgkin…), tiểu đường, ung thư, viêm não – màng não, suy giảm miễn dịch, các sang chấn tinh thần, suy nhược cơ thể, xạ trị, thủy đậu…cũng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này.

3. Triệu chứng của bệnh zona thần kinh

Cẩn thận với vùng da nổi ban đỏ, nổi mụn nước to,…

Tùy thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng, zona thần kinh có thể xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trong cơ thể. Các triệu chứng thường phát triển như sau:

  • Vùng da phát bệnh hơi đỏ, có cảm giác đau rát nhẹ.
  • Khi bệnh phát triển, triệu chứng có thể gặp là vùng da phát bệnh ngứa, căng, bỏng, nhức dai dẳng, kèm theo dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi…
  • Sau 1-3 ngày, xuất hiện dải ban đỏ, sưng nhẹ, hình tròn, bâu dục, nổi lần lượt dọc theo dây thần kinh, rải rác hoặc cụm lại thành dải, thành vệt.
  • Sau đó, bệnh phát triển, trên vùng da đỏ sẽ xuất hiện những mụn nước chứa dịch, căng, khó vỡ, các mụn nước tập trung lại thành cụm, về sau to dần, dịch đục, dễ vỡ.
  • Cuối cùng mụn vỡ ra và bắt đầu chảy nước, bề mặt trên khô đi, đóng vảy và chuyển sẹo.

Quá trình này diễn ra khoảng từ 2-3 tuần từ khi nhiễm bệnh cho đến khi khỏi. Sau khi khỏi một thời gian ngắn, thi thoảng vẫn sẽ thấy đau tại vùng da phát bệnh.

4. Biến chứng đáng ngại của bệnh zona thần kinh

Biến chứng thường gặp nhất của bệnh zona thần kinh là đau dây thần kinh sau zona, đặc biệt là ở người cao tuổi. Các cơn đau đôi khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành hẳn.

Nhiều trường hợp bị biến chứng gây bội nhiễm da, tạo thành mụn mủ loét sâu, sưng rộp đỏ và gây cảm giác rất đau; viêm màng não, viêm tụy cắt ngang, xuất huyết giảm tiểu cầu… do điều trị không đúng cách. Nghiêm trọng hơn chính là tình trạng bệnh zona thần kinh phát lên mặt, bệnh zona ở mắt và tai. Chúng có thể gây nên tình trạng suy giảm thị lực cũng như thính lực… Phụ nữ đang mang thai nếu bị bệnh này thì rất dễ ảnh hưởng đến thai nhi.

5. Điều trị bệnh zona thần kinh

Điều trị bệnh zona cần nhiều loại thuốc khác nhau

Thời gian điều trị bệnh tốt nhất chính là trong khoảng 48 giờ đầu tiên khi xuất hiện bệnh. Điều trị trong tuần đầu tiên xuất hiện sẽ mang đến những hiệu quả tích cực nhất. Nếu điều trị càng muộn thì khả năng dẫn tới biến chứng càng cao.

Trong trường hợp dù có điều trị bệnh sớm hay muộn mà không đúng thuốc hay không đủ liều thì cũng coi như người đó chưa điều trị.

Thông thường, liệu trình chữa bệnh zona thần kinh là: sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm, hạ sốt, chống nhiễm khuẩn, kháng vi rút. Các loại thuốc được sử dụng càng sớm càng tốt vì hiệu quả sẽ phát huy sớm và tránh được sự phát triển nhanh của bệnh.

Nếu vết ban và vết phồng rộp nổi lên ở gần mắt, bạn phải đến gặp bác sĩ ngay, vì vi rút có thể lan đến mắt, gây tổn thương mắt, làm giảm thị lực hoặc mù. Hoặc nếu bạn mắc phải zona trong lúc đang có những bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch hoặc đang sử dụng thuốc hoặc phương pháp trị liệu làm suy giảm sức miễn dịch của cơ thể thì bạn phải đến gặp bác sĩ ngay để tránh được những biến chứng của bệnh này.

Sau khi đọc bài này, hi vọng rằng bạn đã hiểu rõ zona thần kinh là bệnh gì và những thông tin bệnh lý liên quan. Đây sẽ là bài viết giúp bạn phòng tránh và nhanh chóng đẩy lùi căn bệnh này nếu bạn vô tình mắc phải.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *