Cách phân biệt viêm da do giời leo và kiến ba khoang cắn

Không ít người đã mắc phải sự nhầm lẫn giữa viêm da do giời leo và kiến ba khoang cắn, dẫn đến việc điều trị không phù hợp gây ảnh hưởng xấu đến da.

1. Viêm da do giời leo và kiến ba khoang cắn là gì?

Viêm da do giời leo:Là da bị bỏng do chất acid photpho hữu cơ của côn trùng bọ giời, gây sưng đỏ, rát… Vị trí xuất hiện đa dạng, nhưng chỉ sau 5 – 7 ngày là khỏi.

Viêm da do kiến ba khoang cắn: Là hiện tượng da bị phồng rộp và đỏ rát do bị một loại côn trùng là kiến ba khoang tấn công. Bị nhiều nơi ở vùng da hở (mặt, cổ, ngực, vai, gáy…) và sẽ tiếp tục tiến triển, cơ thể râm ran khó chịu.

12 – 24 giờ sau khi xuất hiện vết đỏ rát do kiến 3 khoang sẽ xuất hiện thương tổn điển hình (da rát bỏng, phồng rộp thành vệt, hoặc đám, nổi mụn nước ở giữa, trẻ con có thể sốt nhẹ, nổi hạch…). Nếu ngứa gãi sẽ lan ra vùng da lành, vùng nếp gấp.

2. Viêm da do giời leo và kiến ba khoang cắn khác nhau ở đâu?

Nguyên nhân gây bệnh

– Tác nhân gây bệnh giời leo chính là do các độc tố có trong côn trùng bọ giời. Khi bị đập chết, các chất độc sẽ được giải phóng ra. Độc tố này sẽ gây kích ứng lên da, bỏng rát khi tiếp xúc.

Con giời leo hay thường gọi là con giời là một loài động vật thuộc ngành chân khớp, hình dáng giống như con rết nhưng kích thước nhỏ hơn, chân cao hơn nên nó di chuyển khá nhanh. Chúng thường sống ở những nơi ẩm thấp như góc khuất, ngõ ngách gầm giường, bàn, tủ…Viêm da do giời leo có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Côn trùng bọ giời thường hoạt động vào ban đêm nên có khi bò lên người và tiết dịch acid photpho gây ra các vệt phỏng da. Nên đặc biệt lưu ý các dấu hiệu bị giời leo để có cách chữa trị kịp thời.

– Tác nhân gây nên viêm da do kiến ba khoang là loại côn trùng cùng tên, khác với loài kiến đỏ, kiến gió (kiến đen)…thường thấy, kiến ba khoang thường xuất hiện phụ thuộc vào sự thay đổi thời tiết, thông thường chúng xuất hiện nhiều sau khi trời đổ mưa. Vì vậy, trong những ngày mưa, thời tiết u ám, ẩm ướt… loại côn trùng này có thể bò khỏi tổ nhiều và bay vào trong nhà dân trú ngụ.

Loại kiến này có thân mình thon, dài như hạt thóc. Chúng có kích thước lớn hơn nhiều so với loại kiến đỏ, kiến gió, thường có 2 màu đen và vàng trên cơ thể. Kiến 3 khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ.

Triệu chứng viêm da do giời leo và kiến ba khoang cắn

– Đối với giời leo, người bệnh có thể dễ dàng nhận biết được giời leo qua các triệu chứng xuất hiện trên da, cụ thể như:

  • Da ửng đỏ, xuất hiện vệt dài khoảng 5 cm, có cảm giác ngứa, đau rát tức thời rất khó chịu.
  • Nổi các mụn nước nhỏ li ti theo hình dây ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Đặc biệt là ở các vùng như đùi, lưng, chân tay vì thường tiết nhiều mồ hôi. Một số trường hợp lại xuất hiện ở các vị trí như môi, cằm, trán má…
  • Nghiêm trọng hơn thì các mụn nước bị vỡ ra và sinh mủ. Tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ để điều trị sớm nhất vì khi các mụn nước bị vỡ thì tỉ lệ gây ra các sẹo to rất cao.
Kiến ba khoang cắn nếu không có cách chữa trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

– Đối với vết cắn của kiến ba khoang, người bệnh có triệu chứng như:

  • Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám,  thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
  • Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
  • Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
  • Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.

3. Cách chữa trị viêm da do giời leo và kiến ba khoang cắn

– Với giời leo:

  • Vệ sinh sạch sẽ cho vùng da bị bệnh mỗi ngày. Mặc quần áo thoáng mát, vải mềm để tránh bị trầy xước da.
  • Không tác động lên vùng da bị bệnh, nhất là chọc các mụn nước vỡ ra vì làm như vậy sẽ dễ bị nhiễm khuẩn.
  • Sử dụng các loại thuốc bôi theo hướng dẫn.
  • Bổ sung thêm vào thực đơn ăn uống hàng ngày các loại rau quả tươi có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, thức ăn có tính mát để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể và giải độc. Uống nhiều nước.
  • Tránh ăn các loại đồ ăn cay nóng.

– Với vết kiến ba khoang:

  • Cách xử trí khi bị kiến ba khoang đốt đó là cần loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt, lưu ý không dùng tay trần để bắt, miết, giết. Rửa vùng tiếp xúc bằng nước sạch và xà phòng, sau đó dùng thuốc sát trùng nhẹ và đến gặp bác sỹ để chữa trị.
  • Khi thương tổn đã phỏng rộp, tùy vào mức độ tổn thương mà bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.
  • Trường hợp nhẹ chỉ cần sát trùng, bệnh tự giới hạn. Nếu tình trạng trung bình và nặng thì phải bôi thuốc dịu da, corticosteroid bôi, uống kháng histamin, uống kháng sinh khi có dấu hiệu bội nhiễm.
Nên đi khám bác sĩ nhanh chóng để có cách điều trị chính xác nhất.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *