Trẻ biếng ăn, ăn ngậm cả tiếng đồng hồ luôn là nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh. Đôi khi các mẹ nổi cáu, stress vì không biết làm cách nào để giúp con ăn ngon, không còn ăn ngậm.
Biếng ăn ở trẻ khá nghiêm trọng nhiều khả năng sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu hụt các vi chất như khô mắt nên cha mẹ hãy nắm những cách chăm sóc trẻ biếng ăn ở bài viết sau.
Biếng ăn ở trẻ gây hậu quả gì?
Tình trạng biếng ăn thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện của biếng ăn rất đa dạng, vì thế người lớn cần chú ý các biểu hiện bất thường của trẻ để phát hiện sớm chứng biếng ăn ở trẻ.
Trẻ 6 tháng biếng ăn thường bú ít, không hào hứng với đồ ăn dặm. Các bé lớn hơn thường ăn chậm hoặc rất chậm (bữa ăn có thể kéo dài 30 phút – 2 tiếng), trẻ ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt, không có cảm giác đói bụng nên không đòi ăn, giả vờ đau bụng khi đến bữa ăn,…
Khi trẻ có thói quen biếng ăn lâu dần con sẽ thiếu năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng, từ đó sẽ chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao và còi xương, suy dinh dưỡng và thậm chí là kém phát triển về trí não.
Đồng thời, trẻ thường bị suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ trước các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,… và tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như cảm cúm, tiêu chảy, viêm đường hô hấp,… Khi bị ốm, bé càng biếng ăn và càng bị suy giảm sức đề kháng.
Trẻ bị thiếu dinh dưỡng và ốm yếu sẽ bị rối loạn nhận thức và cảm xúc, ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, học tập trước mắt và có thể kéo dài tới 5 năm sau.
Hướng dẫn mẹ chăm sóc trẻ biếng ăn
Đối với trẻ bị bệnh
- Trẻ em mắc bệnh thường rất mệt mỏi, chán ăn, do đó ngoài việc chữa bệnh các mẹ cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ và phải xác định rằng ăn đối với trẻ lúc này rất quan trọng.
- Vì trẻ đang bệnh nên cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa, thức ăn cần chế biến dạng lỏng và mềm hơn, dễ tiêu hoá hơn, mùi vị thơm ngon, hợp khẩu vị.
- Các mẹ cần phải kiên nhẫn, dỗ dành trẻ tránh ép trẻ ăn làm trẻ sợ hãi.
- Nếu trẻ ăn ít trong giai đoạn này các mẹ cũng đừng lo lắng quá, khi lành bệnh trẻ sẽ ăn bù.
- Điều cần nhất là phải cho trẻ uống đủ nước, nên uống các loại nước quả có đường như nước cam, nước chanh, nước dừa, nước táo, nước xoài. . . hoặc sữa, vì các loại nước này vừa cung cấp năng lượng, vừa cung cấp vitamin và chất khoáng cho trẻ. Cần cho trẻ uống bổ sung vitamin và khoáng chất trong giai đoạn này.
- Không nên cho thuốc vào thức ăn của trẻ nếu không có chỉ định.
Đối với các trường hợp khác
- Điều chỉnh khẩu phần ăn của trẻ cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng theo từng tuổi.
- Các mẹ cần kiểm tra xem thức ăn có hợp khẩu vị của trẻ hay không, nếu cần phải đổi thức ăn cho hợp với trẻ. Khi thay đổi thức ăn cho trẻ các mẹ cần thay đổi từ từ, xen kẽ giữa thức ăn mới và thức ăn cũ mà trẻ yêu thích.
- Nếu trẻ có phản xạ sợ khi nhìn thấy thức ăn, cần phải cắt dần phản xạ đó bằng cách không ép trẻ mà cho trẻ chơi, làm quen dần với dụng cụ chứa thức ăn và thức ăn. Có trường hợp trẻ nhìn thấy thìa là sợ, có phản ứng tiêu cực, các mẹ cần cho trẻ chơi với thìa để quen dần…
- Tạo cho trẻ không khí thoải mái, vui vẻ trong bữa ăn. Không nên quá chăm chút để trẻ phải ăn riêng trong khi trẻ có khả năng ăn cùng mâm với gia đình. Không khí vui vẻ, đầm ấm trong bữa cơm gia đình sẽ giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.
- Luôn luôn cho trẻ ăn đúng bữa, trong bữa ăn cần tập trung, không nên vừa ăn vừa chơi như xem hoạt hình, chơi điện tử… không nên cho trẻ ăn quà vặt.
- Không nhồi nhét, ép buộc trẻ ăn vì có thể bữa này trẻ ăn ít bữa sau trẻ sẽ ăn bù.
- Không cho trẻ uống hoặc ăn đồ ngọt trước bữa ăn vì các thức ăn này tạo cảm giác no giả khiến trẻ chán ăn.
- Không được để trẻ nhịn đói vì nhiều người cho rằng để trẻ đói quá sẽ phải ăn, nhưng thực tế khi trẻ đói quá sẽ mệt mỏi và lại càng không muốn ăn.
Những sai lầm các mẹ hay mắc phải trong việc thực hiện chế độ ăn của trẻ biếng ăn
Không tăng cường thêm số bữa ăn cho trẻ mặc dù mỗi bữa trẻ chỉ ăn rất ít hoặc bỏ ăn. Nấu loãng hơn bình thường (cho ít chất đạm, dầu mỡ hơn bình thường) khiến cho trẻ đã ăn ít hơn về lượng lại càng bị thiệt thòi về chất.
Không thêm hoặc bổ sung quá ít dầu mỡ vào bát bột, cháo của con nên gây thiếu năng lượng khẩu phần cho trẻ.
Không cho trẻ ăn cá tôm cua vì sợ trẻ bị tiêu chảy, hoặc khi trẻ có nhiễm khuẩn ho hay tiêu chảy: Chỉ trong những trường hợp cá tôm cua là nguyên nhân gây tiêu chảy như một biểu hiện của bệnh dị ứng ở một số cơ địa dị ứng đồ tanh (tỷ lệ rất thấp).
Cho trẻ ăn các thực phẩm không nên dùng là: Những thực phẩm nguyên hạt, khó tiêu, thấp năng lượng mà chiếm dung lượng lớn như miến, khoai.. Trẻ không táo bón nhưng vẫn trộn quá nhiều đậu xanh, sen, ý dĩ…trong bột xay của trẻ, hoặc cho quá nhiều rau xanh trong bữa bột/cháo gây thấp năng lượng khẩu phần.
Nguồn Tham Khảo: Tổng Hợp
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.