Phân biệt các giai đoạn của sởi thông qua dấu hiệu bên ngoài

Sởi là bệnh viêm nhiễm cấp tính hay gặp ở trẻ em. Các giai đoạn của sởi có biểu hiện rất khác nhau, bạn cần phân biệt rõ để có cách điều trị thích hợp.

Theo báo cáo của tổ chức Y tế Thế Giới WTO, 3 tháng đầu của năm 2014 ghi nhận được tới gần 56.000 ca mắc bệnh sởi ở trên 70 quốc gia. Sởi có thể gặp ở bất cứ ai và lây lan trên diện rộng. Virus sởi dễ phát tán nhất là giai đoạn đầu tiên (giai đoạn xuất tiết). Tuy nhiên thời điểm này người ta vẫn chưa phát hiện ra mình bị bệnh nên chủ quan lây cho người khác.

Trẻ sơ sinh thường được mẹ truyền kháng thể miễn dịch thông qua nhau thai. Nhưng kháng thể này chỉ tồn tại được trong khoảng 4 – 6 tháng do đó cần phải tiêm vắc-xin phòng bệnh khi trẻ bước vào tháng thứ 9. Với những người chưa được tiêm phòng sởi cần tới cơ sở y tế để làm xét nghiệm sau đó tiêm phòng bổ sung càng sớm càng tốt.

Tìm hiểu các giai đoạn của sởi và cách chữa trị

1. Thời kỳ ủ bệnh

Giai đoạn này kéo dài khoảng 10 tới 12 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với virus sởi. Đôi khi có trường hợp thời kỳ ủ bệnh khoảng 7 – 20 ngày tùy theo cơ địa từng người. Hầu hết người bệnh trong giai đoạn này chưa có biểu hiện lâm sàng gì cả.

2. Thời kỳ khởi phát

Trẻ bị sốt kèm những nốt phát ban trên gáy, mặt, cổ,…

Thời kỳ khởi phát hay còn có tên gọi là thời kỳ viêm long. Nó sẽ kéo dài chỉ trong khoảng 4 – 5 ngày kể từ khi người bệnh bắt đầu sốt cho tới khi bắt đầu nổi phát ban. Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của giai đoạn này là:

  • Sốt: bệnh nhân thường sốt cao bất thường lên tới tận 39 – 40 độ C.
  • Người mệt mỏi, đau nhức, vã mồ hôi. Bệnh sởi trẻ em khiến bé thì biếng ăn, ủ rũ, không thích chơi đùa. Với trẻ sơ sinh thì chắc chắn sẽ sốt rất cao có khi kèm cả co giật.
  • Người bệnh chảy nước mắt nhiều, viêm kết mạc, mắt đỏ nhiều dử.
  • Mí mắt sưng, ngứa ngáy khó chịu.
  • Lúc này mắt rất nhạy cảm với ánh sáng do đó chỉ cho bệnh nhân nghỉ ngơi ở trong phòng thoáng nhưng nhớ kéo kèm che.

Ngoài ra, còn có biểu hiện ở hệ hô hấp như: người bệnh hắt hơi liên tục, sổ mũi, ho, lỗ mũi đỏ bứt rứt khó chịu. Thêm nữa hệ tiêu hóa cũng bị tổn thương gây ỉa chảy, phân lỏng.

Khi làm xét nghiệm sẽ thấy trong miệng, môi, lợi, má xuất hiện những chấm nhỏ 1 mm. Các nốt này sẽ bay hết trong khoảng 12 – 18 giờ trước khi phát ban ngoài da. Bạn có thể căn cứ vào dấu hiệu này để xác định sớm được bệnh.

3. Thời kỳ phát ban

Nốt ban sởi đã mọc khắp người bé

Khi chuyển sang giai đoạn này thân nhiệt bệnh nhân sẽ tăng thêm khoảng 0,5 cho tới 1 độ C. Lúc đầu các nốt phát ban xuất hiện ở sau tai, vùng gáy. Nốt ban sẽ mọc lan dần ra trước má, trán rồi ra toàn mặt.

Tới ngày tiếp theo, ban sởi mọc xuống cổ, ngực, chánh tay. Cho tới ngày thứ 3 chúng sẽ xuất hiện ở lưng và 2 bên chân. Tính tới ngày thứ 3 là toàn bộ cơ thể đã nổi hết ban đỏ.

Điểm đặc biệt các nốt ban này lại không gây ngứa ngáy, sờ vào mịn như nhung. Tùy thuộc vào cơ địa hay mức độ nhiễm bệnh có người chỉ mọc lưa thưa mà không lan xuống chân. Có người thì lại mọc dày toàn bộ cơ thể cả trong lòng bàn tay bàn chân.

4. Thời kỳ lui bệnh

Vào ngày thứ 6 nốt ban sởi bắt đầu bay mất. Chúng cũng bay theo trình tự mọc tức là từ cổ, mặt, ngực, rồi tới lưng và xuống tới 2 chân. Sau đó các nốt ban này để lại vết thâm theo hình vằn da hổ. Lúc này bệnh nhân gần như khỏi hoàn toàn, cơ thể đã đỡ mệt mỏi hơn thì cần bổ sung nhiều chất dinh dưỡng cho chóng lại sức.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *