Thời điểm giao mùa trẻ con rất dễ bị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Bố mẹ cần trang bị những kiến thức cơ bản để chăm sóc mỗi khi bé bị viêm họng.
Cứ mỗi khi thời tiết thay đổi, các ông bố bà mẹ lại không khỏi lo lắng về sức khỏe của các bé. Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ con rất dễ mắc bệnh nhất là những bệnh dễ lây liên quan tới đường hô hấp. Trong số đó, viêm họng là bệnh khiến nhiều bé mắc phải nhất. Tuy không phải loại bệnh nguy hiểm, thậm chí có thể tự khỏi, nhưng nếu không chữa kịp thời dễ để lại hậu quả như viêm phổi, viêm amidan,…
Triệu chứng khi bé bị viêm họng
Khi vi khuẩn tấn công vùng niêm mạc họng, họng xuất hiện nhiều vết viêm loét, sưng tấy. Cũng giống như các bệnh viêm nhiễm khác, biểu hiện viêm họng ở mỗi bệnh nhân là khác nhau nhưng đa số các bé bị viêm họng đều có chung một vài triệu chứng:
- Sốt đột ngột.
- Sốt cao lên tới 39 – 41 độ C.
- Trẻ bị rát họng, khản tiếng.
- Trẻ sơ sinh bị viêm họng có biểu hiện biếng ăn, ho khan, quấy khóc.
- Bé bị chảy nước, tắc nghẽn mũi.
- Có trẻ xuất hiện hạch ở cổ và dưới hàm sưng đau rất khó chịu.
Nguyên nhân dẫn đến viêm họng ở trẻ em
Phần lớn các bé bị viêm họng là do các loại virus như adeno, rhino, đôi khi là virus gây bệnh cảm cúm, sởi,… Ngoài ra, vi khuẩn liên cầu, tụ cầu và phế cầu cũng góp phần gây viêm họng ở trẻ.
Hậu quả nghiêm trọng của viêm họng
Phần lớn bệnh viêm họng sẽ diễn biến trong khoảng 3 – 4 ngày. Sau đó cơn sốt giảm dần, cơn đau họng cũng biến mất.
Tuy nhiên có những ca bệnh tiến triển thành viêm họng bội nhiễm. Nếu thời gian mắc bệnh kéo dài có thể gây biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm mũi và tai. Nguy hiểm hơn, với trẻ bị viêm họng do liên cầu khuẩn, nó sẽ kích thích cơ thể tự sản xuất kháng thể ảnh hưởng rất xấu tới tim và khớp.
Thuốc kháng sinh không phải phương pháp tốt nhất
Mỗi khi thấy bé bị ho sốt, các ông bố bà mẹ luôn muốn dùng thuốc kháng sinh để giảm thật nhanh các triệu chứng. Tuy nhiên, cách này rất nguy hiểm vì dễ gây tình trạng nhờn thuốc. Thời gian trẻ tái phát rút ngắn dần và càng lúc càng khó trị dứt điểm.
Thay vào đó bố mẹ nên thực hiện theo các bước chữa viêm họng cho bé như sau:
- Dùng khăn ấm lau người cho bé nhất là vùng bẹn, nách, cổ.
- Nếu trẻ sốt khoảng 38 độ C thì cho trẻ mặc quần áo mỏng thoáng.
- Để bé nằm trong phòng yên tĩnh, thoáng khí tránh gió quạt thổi trực tiếp vào cơ thể.
- Nếu trẻ bị sổ mũi hãy nhỏ nước muối sinh lý dành riêng cho trẻ em, dùng khoảng 2 – 4 lần/ngày.
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, nước súp.
- Trong bữa ăn bổ sung thêm nhiều rau quả, tốt nhất nên luộc hoặc ninh nhừ cho dễ ăn.
- Trẻ vẫn còn đang bú, mẹ cần tăng lượng sữa mỗi ngày cho bé.
Phòng tránh viêm họng cho trẻ
Mỗi lần mắc bệnh trẻ chắc chắn sẽ rất mệt mỏi, biếng ăn dẫn tới sụt cân, suy nhược cơ thể. Do đó, tốt nhất mẹ nên tìm cách phòng tránh viêm họng từ trước cho trẻ bằng cách biện pháp sau:
- Hạn chế cho con tới chỗ quá đông người.
- Khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, đội mũi, mặc áo tránh nắng, tránh gió.
- Không cho bé ăn nhiều kem, uống nước đá vào mùa hè.
- Rèn cho bé thói quen vệ sinh răng miệng cổ họng: rửa tay diệt khuẩn thường xuyên, đánh răng sau khi ăn và súc miệng với nước muối loãng.
- Khuyến khích con vận động thể chất nhiều để tăng cường thể lực.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.